Tạo điều kiện cho tư nhân có thể tham gia vào cổ phần hóa DNNN
Gỡ vướng cho thoái vốn và cổ phần hóa DNNN | |
Có thêm phương thức bán cổ phần lần đầu khi cổ phần hóa DNNN |
Tỷ lệ vốn Nhà nước trong công ty cổ phần còn cao
Tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016, ngày 28/5, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) ghi nhận công tác cổ phần hóa đã đạt được nhiều kết quả, cổ phần hóa được 571 DN và bộ phận DN.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Minh cũng tâm tư trước một số hạn chế, yếu kém trong quá trình cổ phần hóa DNNN. Đó là tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao, sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, mặc dù số DNNN được cổ phần hóa đạt cao, nhưng tại 426 DN số vốn điều lệ nhà nước vẫn tiếp tục nắm giữ đến 81,1%, thậm chí có đến 70% doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 90%.
“Theo tôi, kết quả đó chưa đạt với yêu cầu của việc tái cơ cấu DNNN. Vì khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông tăng họ mới có nhiều động cơ cải thiện kết quả hoạt động của DN và cũng chỉ khi đó họ mới có thực quyền trong việc tham gia cải cách và đổi mới mô hình quản trị DN”, ông Minh phân tích và cho rằng, việc tăng tỷ trọng tham gia của các nhà đầu tư chiến lược là cực kỳ quan trọng, bởi họ không phải chỉ mang lại nguồn tài chính mà thực sự họ mới là người đem lại cho DN công nghệ, kỹ năng quản trị hiện đại, cũng như thị trường và mạng lưới phân phối mạnh...
Nhưng theo đại biểu Trần Văn Minh, thực tế tình hình cho thấy thời gian qua phần lớn tỷ lệ bán cho các nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt thường nhỏ, làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược. Tỷ lệ chào bán cho bên ngoài dưới mức chi phối cũng làm giảm sự thu hút với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư muốn dành quyền chi phối doanh nghiệp sau có cổ phần hóa.
Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Văn Minh kiến nghị, cần tiếp tục rà soát, tách bạch giữa những lĩnh vực mà Nhà nước cần nắm quyền chi phối với những lĩnh vực cần phải huy động vốn từ xã hội để từ đó duy trì tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại DN ở mức hợp lý nhằm thu hút nhà đầu tư tích cực tham gia vào quá trình cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, việc xác định giá trị DN và bán cổ phần tại các DNNN chưa phù hợp, chưa phản ánh đúng giá trị của DN, cùng với việc thiếu công khai, minh bạch trong tiến trình cổ phần hóa cũng như thủ tục cổ phần hóa còn phức tạp, thời gian kéo dài và nhiều yêu cầu khó khả thi.
“Cần quy định tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, bao gồm cả đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Phải đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và trong nước. Cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần giống như nhà đầu tư trong nước, cho phép họ sở hữu chi phối một số ngành, lĩnh vực không thiết yếu. Bên cạnh việc quan tâm thu hút các nhà đầu tư chiến lược cũng cần có các quy định về chế tài khi các nhà đầu tư này không thực hiện đúng cam kết, gây thiệt hại cho nhà nước, doanh nghiệp và người lao động và doanh nghiệp được cổ phần hóa”, đại biểu Minh kiến nghị.
Cần phải có Luật Cổ phần hóa
Cũng đề cập đến tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong thời gian qua diễn ra rất chậm chạp, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, chậm trễ này không chỉ từ nguyên nhân khách quan như khó khăn trong định giá DN, xử lý tồn đọng hay do bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế chưa thuận lợi mà còn do những yếu tố mang tính chất chủ quan, những lo ngại của ban lãnh đạo DN phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm, kết quả yếu kém của công ty khi DN phải thực hiện kiểm toán và đánh giá lại giá trị khi thực hiện cổ phần hóa.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc phát biểu thảo luận sáng 28/5 (Ảnh: Quochoi.vn) |
Quan trọng hơn, theo ông Lộc, đó là "sự thiếu quyết liệt trong điều hành của các bộ, ngành dẫn đến nhiều chính sách, giải pháp đúng đắn chưa được thực thi với hiệu lực cao. Ví dụ, trong các quy định về niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với DN cổ phần hóa là một yêu cầu sơ đẳng cho một DN lớn và minh bạch trong nền kinh tế thị trường, dù đã được ban hành rộng rãi nhưng lại không được các DN thực hiện nghiêm túc”, ông Lộc nêu thêm lý do.
Từ đó để tăng cường khung khổ pháp lý cũng như kỷ cương trong việc thực hiện cổ phần hóa DNNN, đại biểu Lộc đề nghị Quốc hội nghiên cứu và giao Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thông qua Luật Cổ phần hóa.
Đồng thời cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng chủ trương, chính sách để thúc đẩy và hỗ trợ cho khu vực DN tư nhân trong nước, bao gồm cả các nhà đầu tư chiến lược của khu vực vừa và nhỏ có thể tham gia vào quá trình cổ phần hóa DNNN. Qua đó, đảm bảo sự rút lui của DNNN trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng sẽ tạo nên bước tiến cho khu vực tư nhân trong nước trong phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này, không thể chỉ để cho FDI tiếp thu và tham gia vào quá trình cổ phần hóa các DNNN của chúng ta.
“Đây là vấn đề khó nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được, chúng ta vẫn tuân thủ các quy định của quốc tế, của WTO nhưng vẫn tạo điều kiện cho khu vực tư nhân trong nước có thể tham gia vào quá trình cổ phần hóa DNNN”, ông Lộc nhấn mạnh.