Cần thiết lập thị trường bền vững
Thị trường cà phê ngày 24/9/2016 | |
Phục hưng cà phê nguyên bản | |
Gian nan tái canh cây cà phê |
Những tín hiệu vui
Đơn cử, ngày 22/9/2016, thị trường cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên ghi nhận sự tăng trở lại 500 đồng, lên mức 41.000 - 41.700 đồng/kg. Đây là mức giá mà thị trường cà phê đã đạt hơn 2 năm trước (tháng 3/2014). Sau đó, giá cà phê Việt Nam liên tục giảm sâu khiến cho người trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên lo lắng, có trường hợp chặt bỏ vườn cây để trồng các loại cây công nghiệp khác.
Cần có những chính sách hữu hiệu để giúp ngành cà phê Việt Nam phát triển ổn định |
Theo ghi nhận của Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện thị trường cà phê đang ở trong 3 tháng cuối cùng của niên vụ 2015-2016, và lượng bán ra khá dồi dào. Đây là tín hiệu vui cho toàn ngành cà phê Việt Nam. Cùng đó, trên sàn kỳ hạn cà phê vối robusta London, những tháng gần đây, giá giao dịch đã có sự chuyển biến tích cực, nhích dần và có lúc chạm mức trên 1.900 USD/tấn.
Theo phân tích của các chuyên gia, giá cà phê tăng trong thời gian vừa qua là do nhiều yếu tố như các quỹ đầu tư tài chính đang chuyển vốn vào kinh doanh trên các sàn kỳ hạn hàng hóa nông sản. Riêng mặt hàng cà phê robusta, do đặc thù là thời tiết nhiều nơi bất thuận, nên nông dân găm hàng lại chờ thời.
Đối với Việt Nam, cà phê robusta là sản phẩm xuất khẩu chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường thế giới. Đây là loại cà phê dùng để phối trộn với cà phê chè arabica. Do đó, giá cà phê nhân robusta phục hồi là yếu tố tích cực tác động đến người trồng và DN kinh doanh cà phê xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Vicofa, giá cà phê robusta tại Việt Nam - nhà sản xuất robusta lớn nhất thế giới - đã tăng lên mức cao nhất trong gần 19 tháng vào phiên ngày 20/9/2016, dao động quanh mức 1.830 - 1.840 USD/tấn. Thực tế, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên liên tục tăng và lập đỉnh mới trong những ngày gần đây. Giá đã tăng 15%, lên 41 triệu đồng/tấn kể từ đầu vụ 2015/2016. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ ngày 24/2/2015. Theo đó, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 23 USD, tương đương 1,2%, lên mức 1.960 USD/tấn.
Các chuyên gia lý giải về điều này là bên cạnh sự suy yếu của đồng USD, còn do lo ngại sản lượng cà phê Brazil thấp hơn dự đoán. Thời tiết tại Brazil đang nóng lên, khô hạn trở lại và điều này đang ảnh hưởng xấu đến kỳ ra hoa của cây cà phê.
Cà phê được đánh giá là mặt hàng chủ lực trong bức tranh xuất khẩu nông sản, đã mang lại lượng kim ngạch xuất khẩu khá lớn cho ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Do đó, việc giá cà phê phục hồi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tập trung chăm sóc, đầu tư cho vườn cây. Đồng thời, ổn định tình hình sản xuất nông nghiệp, tiến đến thực hiện các biện pháp tái canh nhằm phát triển bền vững cây cà phê trong tương lai.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa làm chủ được thị trường, mặc dù sản lượng cà phê luôn đứng đầu thế giới. Cà phê Việt Nam luôn bị tác động bởi những bất thường từ thị trường cà phê thế giới.
Và nỗi lo thường trực
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk cho hay, cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của địa phương. Vì vậy sự phát triển bền vững của ngành cà phê gắn liền với sự phát triển ổn định về kinh tế, xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất cà phê của các nông hộ và DN trên địa bàn luôn đối mặt với nhiều thách thức.
Trong đó, biến động giá trên thị trường cà phê là mối quan ngại thường trực đối với cả người trồng, DN và chính quyền địa phương. Trong khi địa phương có thể chủ động được năng lực sản xuất, thì thị trường và giá cả cần có chiến lược mang tầm quốc gia.
Ông Phan Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Đức cho hay, DN có quy mô trồng và chăm sóc 1.100 ha cà phê, với lực lượng lao động hàng trăm hộ nhận khoán sản xuất, chưa kể lao động gián tiếp. Do đó, giá cà phê tác động lớn đến đời sống của người lao động.
Ông cũng cho rằng, hiện tại giá cà phê trên thị trường thế giới và kể cả thị trường trong nước diễn biến tăng, nhưng không bền vững do nhiều yếu tố tác động rất khó lường. Theo nhiều dự báo, thị trường giá cà phê vẫn có dư địa quay đầu giảm trở lại trong ngắn hạn…
Chính vì thế, giá cà phê trên thị trường vừa phục hồi nhưng về lâu dài, người nông dân và DN vẫn luôn thấp thỏm, việc kinh doanh, giao dịch cà phê của các DN cũng luôn phải đối mặt với những rủi ro... Do đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng, về lâu dài, Việt Nam cần có những bước đi, những giải pháp hữu hiệu trong việc thiết lập thị trường giao dịch nông sản nói chung và cà phê nói riêng.
Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm thành phẩm, thay vì xuất khẩu nông sản thô như hiện nay. Có như thế mới mong giữ vững sự ổn định của thị trường cà phê trong nước, giảm thiểu các tác động bất lợi bởi các yếu tố về giá từ thị trường cà phê thế giới.