Cây trái miệt vườn vào trưng nhà phố
Ảnh minh họa |
Từ khoảng rằm tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), nhiều nhà vườn ở miền Tây Nam bộ đã bắt đầu đưa cây cảnh về TP. Hồ̀ Chí Minh để chuẩn bị bán trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Năm nay, thị trường cây cảnh không chỉ có hoa mà nhiều nhà vườn còn mang lên phố những loại “cây nhà lá vườn” độc đáo, nhưng vô cùng hấp dẫn, đó là cây ăn trái.
Dọc sông Sài Gòn (đường Trần Xuân Soạn - quận 7, đường Phạm Thế Hiển, Bến Bình Đông - quận 8) thời gian này, thương lái miền Tây đã tập kết lượng lớn cây cảnh, hoa kiểng để đưa vào các chợ nội thành bán. Điểm mới của thị trường hoa cảnh tại TP. Hồ Chí Minh năm nay là nhà vườn các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ… đã thêm vào danh sách cây cảnh trưng Tết nhiều loại cây mang tính đặc trưng của quê hương mình. Những loại cây ăn trái, cây cho quả làm cây cảnh bao giờ cũng mới lạ, độc đáo…
Ghi nhận tại nhiều điểm bán cây cảnh, hoa kiểng cho thấy, có trên vài chục loại cây ăn trái được các nghệ nhân vườn kiểng lai tạo thành cây cảnh có trái để chưng Tết. Chị Nguyễn Thu Dung, chủ vườn kiểng Dung Sang (chân cầu Tân Thuận, quận 4) cho biết, từ đầu tháng 12 âm lịch, nhiều khách đã đến tìm và đặt cây ăn trái để trưng Tết. Ngoài những loại cây quen thuộc đã có nhiều năm trước như tắc (quất), thanh long, đào tiên… năm nay tùy theo vùng có thế mạnh cây ăn trái gì thì nhà vườn trưng bán cây cảnh đó.
Cụ thể, như nhà vườn Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp mọi năm trồng rất nhiều cây dư (cà vú dê) chưng Tết cho may mắn. Đồng thời đây cũng là vùng đất của loại quýt hồng nổi tiếng, rất được ưa chuộng dịp tết. Trái quýt hồng có màu vàng cam đậm nhạt hay pha xanh vàng rất đẹp, vị chua ngọt thanh.
Những cây quýt hồng được trồng làm cảnh, trưng Tết chỉ cao tầm 1 - 1,5m, cho 40 - 50 trái/cây, trông rất đẹp bởi trái quýt to, vàng ươm chen lác đác trong cành lá. Ngoài ra, nhà vườn Đồng Tháp còn ươm cây dứa làm cảnh. Mỗi chậu dứa chỉ có một trái, nhưng trái dứa to màu vàng tươi, với chùm đọt xanh tua tủa lạ mắt.
Còn tại tỉnh Bến Tre, vốn lâu đời và nổi tiếng về kiểng chậu, kiểng cỗ, kiểng thú, nay lại có thêm kiểng cây ăn trái. Theo ông Nguyễn Văn Trung, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, làng Cái Mơn nổi tiếng hiện nay ngoài kiểng lá, mai kiểng vốn được tập trung phát triển, thì còn thêm nhiều loại cây kiểng mới, lai ghép từ các giống cây ăn trái ngắn ngày, cho rất nhiều trái như cóc Thái; ổi, xoài Đài Loan; đu dủ, me, sơ-ri, dâu và vú sữa…
Ghép cây ăn trái làm kiểng rất công phu. Cây kiểng trái yêu cầu tổng thể cả chậu phải đầy sức sống, trái đúng chuẩn: to, màu sắc đặc trưng, đẹp. Người trồng và ghép phải có trình độ kỹ thuật, có kinh nghiệm chăm sóc, ép cây ra trái đúng dịp Tết. Mỗi cây mất hàng năm chăm sóc trong vườn, đến tháng Tết mới bắt đầu vô chậu, tạo thêm thế đẹp, khoe trái của cây.
Còn nhà vườn tại tỉnh Vĩnh Long vốn nổi tiếng với các loại trái cây như xoài, cam sành, bưởi… cũng lai tạo để ghép ra loại xoài kiểng giống Đài Loan cho trái màu tím tuyệt đẹp, hay ổi Đài Loan trái ngập cả chân cây. Năm nay, nhiều chậu đủ loại, các kích cỡ đã bắt đầu được bày bán tại chợ nội thành TP. Hồ Chí Minh.
Đến thời điểm này, rất nhiều vườn hoa ở Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang… đã đưa hoa xuống thuyền, khởi hành rời bến đến TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ là hoa, mà cả dây bầu dây bí, cây bắp, hạt lúa… bây giờ cũng trở thành cây cảnh không thể thiếu ở thị trường Tết tại những thành phố lớn.