Chấn chỉnh kinh doanh bất động sản
Dẹp ki-ốt giao dịch trái phép
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, cả TP. Đà Nẵng chỉ có 17 sàn giao dịch BĐS được cấp phép hoạt động với khoảng gần 800 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS... Tuy nhiên, trên thực tế, số sàn giao dịch BĐS và đội ngũ hành nghề môi giới BĐS ở địa phương lớn hơn rất nhiều lần, đặc biệt, vào những thời điểm thị trường lên “cơn sốt” như trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, việc xuất hiện các sàn giao dịch, ki-ốt BĐS trái phép là một trong những tác nhân gây nhiễu loạn thị trường.
Xuất hiện nhiều ki - ốt giao dịch BĐS góp phần gây nhiễu loạn thị trường |
Trên thực tế, tại TP. Đà Nẵng hiện đang có một số khu vực tập trung nhiều ki-ốt giao dịch BĐS không có giấy phép hoạt động, đặc biệt tại quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ. Người dân ở đây từng ví, sàn giao dịch BĐS ở đây mọc nhiều như nấm sau mưa. Theo đại diện UBND phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, đa số ki-ốt giao dịch BĐS trên địa bàn đều tự phát mọc lên, “ăn theo” những dự án lớn đang xuất hiện trên địa bàn. Một đoạn đường rất ngắn nằm trong khu đô thị Golden Hill đã xuất hiện tới hàng chục ki-ốt giao dịch BĐS. Các điểm giao dịch này rất tạm bợ, đa số là trái phép.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn, mới đây quận Liên Chiểu đã có văn bản yêu cầu các cá nhân, tập thể dựng lều quán, ki-ốt môi giới, kinh doanh BĐS trái phép trên các tuyến đường quận Liên Chiểu phải khẩn trương tháo dỡ các công trình. Cơ quan chức năng ở địa phương ra “tối hậu thư”, trong vòng 24 tiếng kể từ ngày nhận thông báo phải tháo dỡ công trình vi phạm. Sau thời gian này, UBND quận giao các phường theo dõi việc chấp hành. Trường hợp không tự nguyện chấp hành thì đội kiểm tra quy tắc đô thị và các đơn vị liên quan sẽ tháo dỡ công trình theo quy định.
Sau TP. Đà Nẵng, tới lượt tỉnh Quảng Nam cũng vừa có chủ trương dẹp bỏ ki-ốt kinh doanh BĐS trái phép ở địa phương. Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại khu vực thị xã Điện Bàn, nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng lều quán, làm ki-ốt để kinh doanh, môi giới BĐS. Việc này đã gây mất mỹ quan đô thị, khiến tình hình an ninh tại địa phương trở nên phức tạp…
Để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn, UBND thị xã Điện Bàn vừa ra thông báo yêu cầu các tổ chức, cá nhân xây dựng lều quán, ki-ốt trái phép phải khẩn trương tự tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm, trả nguyên hiện trạng ban đầu trước ngày 12/4/2019. Nếu quá thời hạn mà tổ chức, cá nhân vi phạm chây ì, không chấp hành thì cơ quan chức năng sẽ xử lý hành chính và tháo dỡ. Mọi thiệt hại, tổ chức và cá nhân vi phạm tự chịu trách nhiệm...
Cần xử lý tận gốc
Theo bà Mai Thị Thùy Linh - Trưởng Phòng quản lý nhà và thị trường BĐS, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, thời gian gần đây, đơn vị đã tham mưu cho thành phố ban hành các văn bản chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS. Đồng thời, Sở cũng đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện về việc xử lý các ki-ốt, sàn giao dịch BĐS trên một số tuyến đường của thành phố, đặc biệt ở những khu vực có các dự án BĐS. Việc tồn tại các ki - ốt gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời có nguy cơ gây mất an ninh trật tự xã hội.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng nêu trên, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương kiểm tra xử lý tháo dỡ các ki - ốt không đảm bảo đúng theo quy định nằm trên địa bàn phụ trách và báo cáo kết quả xử lý về UBND thành phố, Sở Xây dựng...
Việc mạnh tay dẹp bỏ các ki-ốt kinh doanh BĐS trái phép của chính quyền các địa phương đang được nhiều người ủng hộ.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền cần phải có thêm những động thái nhằm xử lý tận gốc, tránh kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Theo nhiều người, những ki-ốt này thực chất chỉ là bề nổi của thị trường, không tác động nhiều đến hoạt động “thổi giá” của những “cò” đất.
Theo ông Nguyễn Tấn Phước - một chuyên gia BĐS, để chấn chỉnh việc kinh doanh BĐS, đồng thời quản lý thị trường một cách tốt hơn, các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng “ký chờ”, “ký gửi” trong công chứng mua bán BĐS như hiện nay, hạn chế tình trạng “sốt ảo”, trên thị trường.
Mới đây, trước hiện trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh việc mua bán, kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính có biện pháp để ổn định thị trường đất đai, ổn định tâm lý của người dân.