Chỉ có khoảng 1% người dân mua được "nhà giá rẻ"
Cơ chế "mở", thực tế vẫn "đóng"
Nhà ở xã hội là vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hàng loạt chính sách đã được đưa ra nhằm tạo môi trường thông thoáng cho loại hình nhà này. TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, chủ trương phát triển nhà ở xã hội được Nhà nước khuyến khích miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, được miễn giảm các khoản thuế liên quan... Đối tượng được thuê, mua nhà là những người thu nhập thấp thuộc diện cán bộ, công chức, viên chức... nhưng chưa có nhà ở thuộc sở hữu, chưa được thuê hay mua nhà ở của Nhà nước. Bên cạnh đó, những cán bộ, công chức có chỗ ở chật dưới 5m2/người hay ở nhà tạm, hư hỏng cũng nằm trong diện "xét duyệt".
Ảnh minh họa
"Nhà thu nhập thấp (NTNT) cũng là một loại hình nằm trong nhà ở xã hội, được hưởng những ưu đãi đặc biệt của Nhà nước. Ở nước ta, chiến lược quốc gia về nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp đã được hoạch định rõ ràng nhưng cơ chế triển khai còn không ít bất cập, mang nhiều màu sắc "xin - cho"”, TS. Liêm nói thêm.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, mới đây bộ Xây dựng cũng đưa ra đề xuất nhằm "cởi" nút thắt cho nhà ở xã hội. Người mua có thể cho thuê lại hoặc thế chấp nhượng nhà sau khoảng thời gian 5 năm thay vì 10 năm như hiện nay. Bên cạnh đó, diện tích tối thiểu của nhà ở xã hội cũng giảm xuống còn 25m2, thay vì 30m2 trở lên như quy định hiện hành. Đây là chủ trương hay, tuy nhiên, trên thực tế, để người thu nhập thấp có thể mua được nhà không phải là dễ dàng.
Ngoài khó khăn về cơ chế, quy trình xét duyệt hồ sơ, giá bán cũng đang quá sức người mua. Chuyện người mua phàn nàn giá nhà thu nhập thấp cao hơn cả giá nhà thương mại là hoàn toàn có cơ sở. Vị Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: "Bình thường, chủ đầu tư không được tính tiền đất vào giá bán, tuy nhiên họ vin vào cớ đất có hạ tầng thì giá tăng nên đẩy giá nhà lên cao. Điều chúng ta cần làm là "giúp" chủ đầu tư bớt nghĩ đến lợi nhuận lớn mà chia sẻ với người dân. Thêm vào đó, cũng cần cải tiến công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu rẻ để giảm giá thành".
Cũng theo lý giải của nhiều người dân trong diện được mua NTNT, chất lượng công trình cũng như giá cả căn hộ không như mong đợi của họ. Từ quá trình tìm hiểu thông tin nhà ở cho người thu nhập thấp (TNT) ở đâu, "tiếp cận" danh sách đăng ký như thế nào đến khi "chắc chân" được đóng tiền "huy động" tham gia dự án xây dựng là cả một "hành trình" dài và rất khó khăn.
Đại diện sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có hơn chục dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người đủ điều kiện mua NTNT đã và đang triển khai xây dựng. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện, trừ dự án tại Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) đã diễn ra suôn sẻ, được người dân hưởng ứng, còn lại phần lớn đều đang lâm vào tình cảnh "dở khóc, dở cười".
Theo TS. Liêm, giai đoạn 2012-2015, ngành xây dựng phấn đấu diện tích bình quân nhà ở đạt 19,4m2/người và tăng lên 22m2/người vào năm 2015. Riêng về lĩnh vực nhà ở xã hội, trong vòng 3 năm tới sẽ phấn đấu xây dựng khoảng 10 triệu m2. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà với loại hình nhà này bởi không những khó khăn về thủ tục, mất nhiều thời gian mà chi phí khá tốn kém. Những chi phí đó doanh nghiệp lại không được hạch toán vào công trình khi kết thúc...
"Theo tôi, với phân khúc nhà dành cho người TNT, với mức giá cao và thủ tục mua còn phiền hà như hiện nay, để đạt được mục tiêu này chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn", TS. Liêm khẳng định.
"Cuộc chiến" mua nhà sẽ còn khắc nghiệt
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đực, phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết: "Nhiều người cho rằng, giá nhà thương mại thấp hơn nhà xã hội là một nghịch lý. Tuy nhiên, theo tôi, trong vấn đề này không có gì khó hiểu. Chúng ta cần phân tích, ai là người đưa ra quy định và xây nhà ở xã hội. Ai cũng biết đó là những công ty của bộ Xây dựng. Đã là "con nhà giàu" thì chắc chắn những công ty này sẽ "ỉ lại" vào tài sản của "cha mẹ" và được "độc quyền" xây dựng nhà xã hội. Như vậy, khi xây xong, họ kiên quyết không giảm giá thành dù có thua lỗ. Chúng ta hoàn toàn có thể thấy cội nguồn của vấn đề này nằm ở đâu".
TS. Phạm Sỹ Liêm. |
Ông Đực cho biết thêm, với nhà thương mại, việc nhiều nhà đầu tư hạ giá thành căn hộ xuống 10 triệu đồng/m2 có thể sẽ lỗ từ 1-2 triệu đồng/m2 nhưng họ vẫn chấp nhận. Bởi, các doanh nghiệp này cần tiền để thoát ra khỏi việc "chôn" vốn trong cảnh khó khăn kéo dài.
Bên cạnh đó, việc bán nhà giá thấp bất ngờ cũng là một cách tạo thương hiệu. Sau này khi thị trường hồi phục, họ sẽ có lợi thế trong việc quảng cáo sản phẩm. Chỉ vì một hành động lúc khó khăn, khách hàng sẽ nhớ đến họ.
Ông Nguyễn Văn Đực cũng chia sẻ, nhiều doanh nghiệp từng ý kiến rằng, họ sẵn sàng lỗ ở một dự án này để đầu tư vào dự án khác, hoặc chấp nhận thâm hụt một khoản tiền để có thể tiếp tục "sống".
"Rõ ràng trong vấn đề này, các doanh nghiệp tư nhân tỏ ra năng động hơn hẳn doanh nghiệp quốc doanh. Họ có thể điều chỉnh giá nhà, thậm chí kể cả việc cắt lỗ để có vốn tiếp tục đầu tư. Trong khi đó, doanh nghiệp Nhà nước từ lâu đã tồn tại một thói quen là "không được phép lỗ". Đến phút cuối cùng vẫn không chấp nhận giảm giá thành. Điều này dẫn đến việc nhà ở xã hội vẫn là ước mơ xa với nhiều người dân", ông Đực nhấn mạnh.
Đánh giá về bức tranh nhà ở xã hội hiện nay, ông Đực nhận định, khả năng mua được nhà xã hội ở các thành phố lớn vô cùng khắc nghiệt. Thậm chí cơ hội mua loại nhà này của nhiều người chưa đến 1%. Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Giá nhà xã hộ quá cao và thủ tục quá phức tạp. Khi đi mua nhà, người dân phải chứng minh được thu nhập của mình là bao nhiêu, diện tích hiện tại đang ở như thế nào...
"Tôi dám chắc là nếu tìm được đối tượng nằm trong quy định thì chắc chắn họ cũng không đủ tiền để mua căn nhà đó, hoặc những người này không có nhu cầu. Trong khi đó, người có điều kiện kinh tế, có nhu cầu thì lại không đủ tiêu chuẩn để được mua. Chính vì thế mới xảy ra chuyện, người có nhu cầu nhà thì vẫn mỏi mắt để được mua còn nhà ở xã hội vẫn ế", ông Đực nói.
Vị chuyên gia này cũng đặt ra hàng loạt nghi vấn, khi Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với nhà ở xã hội là để kéo giá thấp hơn nhà ở thương mại từ 3-6 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay, trong khi nhà thương mại đang xuống giá mạnh thì nhà xã hội vẫn đứng ở mức cao chót vót. "Tôi cũng như nhiều người đang đặt câu hỏi rằng những ưu đãi đó đã "biến" đi đâu. Theo tôi, cần kiểm soát lại giá thành xây dựng của nhà xã hội để buộc các chủ đầu tư hạ giá", ông kiến nghị.
Theo NĐT