Chi tiêu chuyển đổi số vô cùng tiềm năng
Thanh toán di động sẽ còn nở rộ | |
Thịnh vượng từ đổi mới và số hóa nền kinh tế |
Đó là nhận định của các chuyên gia trong ngành này. Những bước nhảy vọt về công nghệ số trong bối cảnh CMCN 4.0 đã và đang tạo đà, tiếp sức cho sự chuyển dịch của cả thế giới tới một đích đến đã định hình: Thế giới số.
Báo cáo của IDG cho biết khoảng 90% các tổ chức và DN đã có kế hoạch, phát triển và triển khai chuyển đổi số. Theo IDC (Worldwide Digital Transfor-mation 2018 Predictions), nền tảng thứ ba: Phân tích dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Công nghệ di động và Kinh doanh xã hội (các công cụ của chuyển đổi số) sẽ đạt mức tăng trưởng CAGR 27%/năm giai đoạn 2016 – 2020.
Theo Research and Markets, năm 2018 thị trường thiết bị điện thoại thông minh tăng trưởng hơn 19%, đạt 1,9 tỷ thiết bị. Đáng nói là xu thế chuyển đổi số ở cấp Chính phủ đang tăng trưởng rất nhanh với mức hơn 19%, theo báo cáo năm 2018 của MarketsandMarket.
Theo dự báo của IDC, năm 2019, chi tiêu cho chuyển đổi số trên toàn cầu sẽ đạt 1.700 tỷ USD, trong đó 35% các nhà sản xuất lớn trên thế giới sẽ ứng dụng các giải pháp phần mềm cho sản xuất thông minh để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Chính phủ đặc biệt quan tâm tới cuộc cách mạng 4.0 và công cuộc nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng của các ngành, lĩnh vực kinh tế để có thể tạo bước nhảy vọt và rút ngắn khoảng cách phát triển với thế giới. Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập ngày 28/8/2018 sẽ phụ trách việc triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT trong bộ máy quản lý, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số.
Làn sóng chuyển đổi số cũng đã tạo những cú hích gia tăng giá trị cho các DN Việt. Như FPT, năm 2018 đánh dấu sự chuyển mình sau khi tái cấu trúc với kết quả kinh doanh ấn tượng. FPT ghi nhận doanh thu kinh doanh hợp nhất 23.214 tỷ đồng, tương ứng 106% kế hoạch. Doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 9.109 tỷ đồng tăng trưởng 26,5% so với năm 2017, chiếm 39,2% tổng doanh thu của toàn FPT. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) từ thị trường nước ngoài đạt 1.492 tỷ đồng, tăng trưởng 23,6% so với năm 2017, chiếm 38,7% tổng LNTT toàn tập đoàn.
Doanh thu chuyển đổi số của tập đoàn trong năm 2018 tiếp tục tăng trưởng 30,8%, chiếm 20% doanh thu xuất khẩu phần mềm. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) hợp nhất của FPT đạt 3.903 đồng, tăng 32%. Kết quả năm 2018 không gồm lợi nhuận thoái vốn từ FPT Retail và Synnex FPT đồng thời hợp nhất kết quả kinh doanh của hai công ty này theo phương pháp vốn chủ. Trong điều kiện so sánh tương đương, EBITDA tăng 26% so với năm 2017, LNTT tăng 30,6% so với năm 2017.
Với những cơ hội và tiềm năng không giới hạn của thị trường chuyển đổi số, FPT xác định đây là cơ hội quan trọng tạo bước phát triển đột phá cho tập đoàn về cả vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng. Do đó, bắt đầu từ năm 2019, FPT sẽ chuyển dịch từ công ty cung cấp dịch vụ CNTT thành tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện với hai hướng đi mũi nhọn công nghệ và viễn thông. FPT dự kiến doanh thu năm 2019 đạt 26.660 tỷ đồng.
Duy trì lạc quan được các chuyên gia kỳ vọng trên cả FPT và CMG. Dù chưa có báo cáo tài chính năm 2018, nhưng, những thông số mà lãnh đạo CMG đưa ra cho đến tháng 11/2018 cũng rất khả quan tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao trong các năm tới khi công ty mở rộng dịch vụ xuất khẩu phần mềm và đầu tư thêm các trung tâm dữ liệu phục vụ cho các khách hàng lớn.
Tính đến hết tháng 11/2018, doanh thu lũy kế của Tập đoàn CMC đã đạt 4.210 tỷ đồng, LNTT đạt 260 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2018, doanh thu toàn tập đoàn sẽ đạt 5.917 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 374 tỷ đồng (đạt 123% so với kế hoạch đề ra). Tập đoàn CMC sẽ hoàn thiện và ra mắt hệ sinh thái CMC OPE2N vào đầu năm 2019. Hệ sinh thái mở này sẽ dựa trên hạ tầng cloud và phải hoàn toàn đồng bộ với chuẩn mực quốc tế.
Triển vọng của ngành CNTT Việt Nam khá sáng rõ khi, một báo cáo của ITviec cho thấy có 53,6% công ty công nghệ cho biết họ có kế hoạch tuyển dụng thêm 10-30% nhân sự trong năm 2019, trong khi 26% có nhu cầu tuyển thêm đến 30-50%. Chỉ có 8,7% công ty muốn tuyển dụng hơn 50% trong năm 2019. Ông Chris Harvey, Giám đốc điều hành của ITviec đánh giá “Việt Nam đang trở thành trung tâm công nghệ không chỉ của Đông Nam Á mà của cả thế giới. Ngày càng có nhiều công ty CNTT nước ngoài vào Việt Nam”.