Thịnh vượng từ đổi mới và số hóa nền kinh tế
Để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn | |
Để bắt kịp CMCN 4.0, cần tiến hành số hóa quốc gia càng nhanh càng tốt |
Số hóa khắp ngành nghề nâng vị thế Việt Nam
Tại sự kiện này, ông Denis Brunetti - đồng Chủ tịch EuroCham nhận định: “Trong 30 năm qua, con đường phát triển kinh tế xã hội vượt bậc của Việt Nam chủ yếu dựa vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế xã hội và nguồn việc làm trong tương lai chủ yếu sẽ đến từ nền kinh tế số. Theo đó, nhu cầu nhân lực công nghệ rất cao khi tất cả các ngành công nghiệp sẽ được số hóa”.
Dưới góc nhìn của EuroCham, EVFTA và CMCN 4.0 chính là hai trong số những vấn đề cấp thiết nhằm đảm bảo thành công của Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Nếu được kết hợp và triển khai tốt, các yếu tố này sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, CMCN 4.0 – thông qua quá trình số hóa diễn ra ở khắp các ngành nghề - sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam, giúp Việt Nam cạnh tranh hơn, đổi mới hơn và chuẩn bị tốt hơn trong nắm bắt cơ hội tiềm năng.
Trong khi đó, EVFTA khi có hiệu lực sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam, giúp người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận tốt hơn với hàng hóa và dịch vụ đa dạng, chất lượng cao từ châu Âu.
Để phát triển kinh tế số, ông Bruno Angelet - Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, 3 yếu tố cần là: sự sẵn có của cơ sở hạ tầng; đảm bảo bảo mật an ninh và đảm bảo niềm tin của người dân với nền kinh tế số. “Việt Nam cần chú trọng tìm hiểu những yếu tố đó để đảm bảo một nền kinh tế cởi mở nhưng vẫn cạnh tranh lành mạnh”, Đại sứ EU nói.
Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), thời gian qua Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực để có các cơ sở pháp lý hỗ trợ phát triển kinh tế số tương đối đầy đủ nếu so với mặt bằng các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều đó cho thấy sự sẵn sàng của Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự đầu tư, ủng hộ của các đối tác, DN nước ngoài, trong đó có EuroCham để có lộ trình phát triển kinh tế số phù hợp.
Về vấn đề này, ông Denis Brunetti nhấn mạnh, các DN châu Âu đã luôn là đối tác đáng tin cậy và bền vững, hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống viễn thông và mạng công nghệ thông tin từ những ngày đầu tiên, góp phần thúc đẩy phổ biến mạng Internet trên toàn quốc. Do đó các thành viên của EuroCham luôn cam kết sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tận dụng triệt để các cơ hội mà làn sóng đổi mới kỹ thuật số toàn diện và bền vững sẽ mang lại.
“Châu Âu được biết đến với nhiều công ty sáng tạo hàng đầu thế giới, dẫn đầu thị trường và chú trọng phát triển tương lai bền vững. Lãnh đạo các công ty này đã chia sẻ kiến nghị và phân tích sâu sắc trong Sách Trắng. Ấn phẩm lần này hy vọng sẽ góp phần giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội mới mà CMCN 4.0 mang lại, trở nên cạnh tranh hơn trong nền kinh tế toàn cầu và hấp dẫn hơn đối với thương mại và đầu tư quốc tế” - đồng Chủ tịch EuroCham nói.
Năm 2018, châu Âu là thị trường chiếm 17% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và thương mại hai chiều đạt 56,3 tỷ USD. Về đầu tư, các DN từ châu Âu có 139 dự án tại Việt Nam, với giá trị 1,068 tỷ USD. |
EVFTA – nếu chậm cạnh tranh sẽ mạnh hơn
Nói về EVFTA, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham cho biết cộng đồng DN châu Âu thời gian qua luôn nỗ lực kết nối và mong muốn thúc đẩy nhanh quá trình phê chuẩn EVFTA, bởi các DN và NĐT châu Âu lo ngại nếu chậm trễ họ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ các bên thứ ba – vốn đã và đang được hưởng lợi từ các FTA mà Việt Nam là thành viên hiện nay như CPTPP. “Chúng tôi kỳ vọng EVFTA sẽ được ký vào khoảng tháng 6 – tháng 7 và phê chuẩn vào khoảng tháng 10 năm nay”, ông Nicolas Audier cho biết.
Trong khi đó, Đại sứ Bruno Angelet cũng khẳng định ủng hộ mạnh mẽ việc ký kết sớm EVFTA và mong mỏi DN hai bên có những chuẩn bị tốt nhất để tận dụng được tối đa lợi ích của hiệp định ngay khi có hiệu lực.
EuroCham đánh giá, kể từ thời điểm công bố Sách Trắng 2018, Chính phủ đã tiếp tục nỗ lực cải cách các quy định pháp luật để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện MTKD và đầu tư. Điều này được thể hiện rõ nét ở Chỉ số MTKD (BCI) gần đây nhất (quý IV/2018) có mức điểm cao nhất kể từ cuối năm 2016 và cho thấy các DN châu Âu đánh giá tích cực về MTKD tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù cho có đánh giá khả quan này, EuroCham cho rằng vẫn còn nhiều thách thức phía trước cần giải quyết.
Các vấn đề và kiến nghị của cộng đồng DN châu Âu được mô tả chi tiết trong Sách Trắng 2019, được trình bày và thảo luận theo 3 chủ đề lớn: Ngành Y tế tại Việt Nam; Môi trường thuế và hải quan; Tăng trưởng bền vững. “Các kiến nghị của các thành viên EuroCham, nếu được xem xét tháo gỡ sẽ giúp Việt Nam khai thác trọn vẹn lợi ích của EVFTA và tiến xa hơn, nhanh hơn trên con đường tăng trưởng và phát triển. Các kiến nghị này cũng góp phần cải thiện khung pháp lý và MTKD của Việt Nam, qua đó cải thiện mức sống của hàng triệu công dân Việt Nam”, ông Nicolas Audier nhấn mạnh.