Chip hóa thẻ ATM: Khách hàng sẽ được đảm bảo quyền lợi
Thẻ chip mở thêm cơ hội đẩy mạnh TTKDTM | |
Gấp rút “chip hóa” thẻ ATM nội địa | |
“Chip hoá” để hạn chế rủi ro |
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), hiện có 7 ngân ngân hàng thương mại tiên phong đang phối hợp với NAPAS triển khai lộ trình chuyển đổi, dự kiến sẽ phát hành thẻ ATM sử dụng công nghệ chip đầu tiên ra thị trường từ cuối tháng 5 năm nay, gồm: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, Sacombank, TPBank và ABBANK.
Hiện Việt Nam có khoảng 77 triệu thẻ ngân hàng, trong đó có khoảng 70 triệu thẻ ATM sử dụng công nghệ từ. |
Bảo mật tốt hơn, nhiều tiện ích hơn
Theo thống kê của NAPAS, hiện Việt Nam có khoảng 77 triệu thẻ ngân hàng, trong đó có khoảng 70 triệu thẻ ATM sử dụng công nghệ từ. Vietcombank đang là nhà phát hành thẻ dẫn đầu với gần 14 triệu thẻ; tiếp theo là VietinBank có gần 13,7 triệu thẻ; Agribank và BIDV có lần lượt 11 triệu thẻ và gần 10,4 triệu thẻ. Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng có số lượng thẻ phát hành từ 2,1 - 5,2 triệu.
Đi đầu trong phát triển thẻ chip là Vietcombank. Theo bà Nguyễn Hồng Vân, Phó giám đốc Trung tâm Thẻ Vietcombank, ngay từ thời điểm cuối năm 2018 Ngân hàng đã chính thức ra mắt sản phẩm thẻ chip đầu tiên ứng dụng công nghệ thanh toán không tiếp xúc theo chuẩn quốc tế (EMV contactless). Bà Vân cho biết, công nghệ này tiên tiến nhất hiện nay, trong con chip có những thuật toán bảo mật đảm bảo an toàn cao.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi sang thẻ chip không những hạn chế nguy cơ sao chép, đánh cắp thông tin thẻ (skimming) để làm thẻ giả rút tiền tại ATM như hiện nay, mà việc áp dụng đồng bộ tiêu chuẩn thẻ chip giữa các tổ chức tín dụng, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán cũng giúp gia tăng nhiều tính năng, tiện ích cho khách hàng.
Vì vậy, việc khẩn trường triển khai công nghệ thẻ chip cho thẻ ATM theo tinh thần của nội dung Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước là một bước phát triển công nghệ bảo mật tiên tiên vì lợi ích của khách hàng và sẽ giúp cho hệ thống thanh toán hiện đại của ngành Ngân hàng ngày càng an toàn, tiện ích hơn.
Chip hóa, các ngân hàng đang bám sát lộ trình
Sacombank là một trong 7 ngân hàng đang tiên phong trong lộ trình thay đổi thẻ ATM từ sang thẻ chíp. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết Ngân hàng này đã hoàn tất các khâu kỹ thuật, chuyển đổi hệ thống ATM, POS, hệ thống kết nối, phôi thẻ… sẵn sàng cho việc phát hành thẻ ghi nợ (thẻ ATM) theo tiêu chuẩn VCCS, với công nghệ không tiếp xúc (contactless) và thanh toán được qua phương thức QR chuẩn EMV.
Theo kế hoạch của Sacombank, trong thời gian đầu, Ngân hàng sẽ phát hành thẻ chip cho khách hàng mới đăng ký và song song chuyển đổi cuốn chiếu đối với những thẻ ATM từ cũ mà không ảnh hưởng tới nhu cầu giao dịch thường xuyên của khách hàng.
Trong khi đó, bà Vân cũng khẳng định, Vietcombank sẽ sớm hoàn tất việc chuyển đổi toàn bộ các thẻ ATM hiện đang dùng băng từ sang thẻ chip vào thời điểm năm 2020.
Với các ngân hàng thương mại khác, đa số đang khẩn trương chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, nguồn lực và nền tảng kỹ thuật công nghệ để chuyển đổi các loại thẻ đang sử dụng băng từ sang thẻ chip.
Với thẻ chip, hiện có loại thẻ chip tiếp xúc và không tiếp xúc. Khi thanh toán, với thẻ tiếp xúc, người ta phải quẹt thẻ vào máy đọc thẻ, còn thẻ không tiếp xúc. Theo chuyên gia, thẻ chip sử dụng công nghệ thanh toán không tiếp xúc là công nghệ hoàn toàn mới ở Việt Nam. Do đó, cần đầu tư máy POS đáp ứng.
Bà Vân cho biết bước đầu, Vietcombank triển khai máy POS đọc thẻ chip cho chuỗi rạp chiếu phim, siêu thị... trên toàn quốc. Thẻ mới của Vietcombank có chip tiếp xúc và chip không tiếp xúc, do đó nếu máy POS chưa có công nghệ mới vẫn có thể cà thẻ để thanh toán bình thường.
Nhiều ngân hàng cam kết miễn phí chuyển đổi
Phí chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip cũng là một trong những vấn đề được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.
Từ phía cơ quan quản lý, theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), các ngân hàng sẽ tự cân đối, quy định mức phí đổi… Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán và quyền lợi của chủ thẻ, đặc biệt không để gián đoạn việc thanh toán trong quá trình đổi thẻ.
Đại diện cho NAPAS, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quang Minh cho biết: Hiện tại chưa có văn bản chính thức nào của các bên về quy định liên quan đến phí chuyển đổi. Tuy nhiên, trong các cuộc họp về thẻ, các bên vẫn đang giữ quan điểm rằng ngân hàng sẽ có trách nhiệm chuyển đổi thẻ cho khách hàng.
“Mỗi ngân hàng sẽ có chính sách riêng, nhưng NAPAS tin tưởng rằng các ngân hàng sẽ có chính sách đặc biệt cho chuyển đổi để hỗ trợ thị trường, khách hàng”, lãnh đạo NAPAS khẳng định.
Từ vị trí của nhà phát hành, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank, cho biết sẽ miễn phí chuyển đổi thẻ ATM từ sang chip cho chủ thẻ thuộc hệ thống Agribank.
Trong khi đó với Sacombank, ông Nguyễn Minh Tâm cho biết mức phí chuyển đổi sẽ căn cứ vào mối quan hệ giữa khách hàng và Ngân hàng. Chẳng hạn khách hàng đang sở hữu thẻ tại Sacombank thì sẽ miễn phí chuyển đổi. Còn với khách hàng mới thì Ngân hàng sẽ đánh giá mức độ khai thác khách hàng để đưa ra mức phí phù hợp nhất.
Lộ trình chuyển đổi Đối với tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) - Đến ngày 31/12/2019, ít nhất 35% ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của TCTTT tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. - Đến ngày 31/12/2020, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của TCTTT tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Đối với tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) - Đến ngày 31/12/2019, ít nhất 30% số thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp đang lưu hành của TCPHT tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. - Đến ngày 31/12/2020, ít nhất 60% số thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp đang lưu hành của TCPHT tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. - Đến ngày 31/12/2021, 100% số thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp đang lưu hành của TCPHT tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. (Trích Thông tư số 41/2018/TT-NHNN) |