Chống chuyển giá: Siết ưu đãi hay vẫn giữ ‘thông thoáng’?
Cùng với dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam mong muốn ngoài tận dụng được vốn cho phát triển còn có thể thu được thuế cho ngân sách. Tuy nhiên, chuyển giá - việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia - đang “bào mòn” kiên nhân của ngành thuế trong việc chờ đợi các DN ngoại thực thi trách nhiệm với ngân sách của mình.
Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng giám đốc tư vấn thuế Deloitte Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Các dữ liệu từ Bộ Tài chính công bố tại Hội thảo chuyên đề “Ưu đãi đầu tư, Giao dịch liên kết: Thực trạng và Giải pháp” diễn ra ngày hôm nay, 10/7, cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng và phức tạp. Chỉ trong các năm từ 2012-2016, có khoảng 44% đến 51% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo lỗ hàng năm. Đặc biệt, tốc độ tăng quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế vẫn tăng “ổn định”.
Nhưng ở chiều hướng ngược lại, cũng theo cơ quan quản lý thuế, đã xuất hiện hiện tượng chuyển lợi nhuận từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất và thời gian miễn giảm dài đối với thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, cũng đã có những hoạt động chuyển giá giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nước.
Phải chăng, chuyển giá là hoạt động không thể thiếu trong đầu tư toàn cầu hiện nay? Phải chăng, chống chuyển giá là bất khả thi?
“Giao dịch giữa các bên liên kết là một phần không thể thiếu trong thương mại toàn cầu”, Thomas McClelland, Chủ tịch Tiểu ban thuế và chuyển giá của EuroCham, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam, khẳng định.
Chính vì thế, câu hỏi đặt ra là chúng ta nên siết ưu đãi hay vẫn giữ “thông thoáng” chính sách thuế để thu hút đầu tư?
Trên thực tế, trong khi chính sách thuế đã rất mở, ưu đãi đầu tư tập trung vào các chính sách thuế, các ngành nghề/địa bàn, các thủ tục cấp phép đầu tư thuận lợi là những quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, nhưng đồng thời doanh nghiệp lại có “kẽ hở” để chuyển giá.
Một số quy định nhằm kiểm soát vấn đề này đã được triển khai. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của nhà đầu tư thì vô hình chung các quy định lại làm khó doanh nghiệp. Chẳng hạn, có một số điểm khác biệt trong quy định ở Việt Nam dường như nghiêm ngặt hơn, ví dụ như khống chế chi phí lãi vay được trừ. Bên cạnh đó là hiện tượng áp dụng cứng nhắc, không thống nhất ở các địa phương đang làm nản lòng nhà đầu tư.
“Nếu có một số thỏa thuận trước về giá được chấp thuận thì sẽ tạo nên tính tích cực cho môi trường đầu tư, đồng thời sẽ mang lại lợi ích cho cả người nộp thuế cũng như Chính phủ để đạt được sự chắc chắn của các khoản nợ thuế”, ông Thomas McClelland góp ý.
Theo vị này, vấn đề nằm ở cân bằng lợi nhuận mang tính quốc tế. Một số khuyến nghị liên quan có trong chương trình chống “Xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận” (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Ông Thomas McClelland cũng cho biết, các quy định ban hành gần đây về giá chuyển nhượng của Việt Nam (ví dụ Nghị định 20) về cơ bản là nhất quán với thông lệ quốc tế.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc Chủ tịch Hội Tư vấn thuế chia sẻ thêm, với doanh nghiệp, ưu đãi thuế chỉ là một yếu tố hấp dẫn. Điều quan trọng hơn cả là chính sách rõ ràng và môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
“Trong tiến trình hội nhập quốc tế, việc thay đổi chính sách thuế và hệ thống các ưu đãi đầu tư là một trong các điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài tốt nhất. Chính phủ Việt Nam vẫn đang tiếp tục thay đổi nhiều thể chế, chính sách theo hướng tích cực và minh bạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia trong khu vực”, theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam cho biết.
Trong đó, các vấn đề tái cân bằng giữa các ưu đãi đầu tư và các cơ chế để hạn chế các doanh nghiệp lợi dụng chính sách là rất quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần có quy trình tốt hơn, thủ tục đơn giản hơn nhưng quản lý chặt hơn để Việt Nam vẫn là một điểm thu hút FDI hấp dẫn, với một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới tập trung vào ngành công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, thân thiện với môi trường.
Hành động cụ thể là nên xem xét lại toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện tại và tái thiết lập sự cân bằng giữa các chính sách ưu đãi “dựa trên lợi nhuận” bằng các chính sách ưu đãi “dựa trên hiệu quả”. Theo đó, cần chuyển tương ứng các quy định về ưu đãi từ Luật Đầu tư sang Luật Thuế và Luật Hải quan, với sự hỗ trợ của một hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả.
“Nếu Việt Nam chưa có sẵn cơ chế để đo lường tác động của các chính sách ưu đãi thì nên triển khai một hệ thống giám sát đánh giá dựa trên mục tiêu chính sách được xác định rõ ràng. Hệ thống này còn theo dõi hiệu quả hoạt động của cả chi phí và lợi ích của chính sách ưu đãi được áp dụng”, ông Wim Douw, chuyên gia cao cấp về chính sách đầu tư của Nhóm Ngân hàng Thế giới khuyến nghị.