Chủ động chống bán phá giá
Ảnh minh họa |
Mới đây, chúng ta đã hoàn tất hai hiệp định thương mại tự do với các đối tác kinh tế lớn là Hàn Quốc và liên minh kinh tế Á - Âu (EEU). Điều này cũng đồng nghĩa các DN Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế khi xuất khẩu hàng hóa do hàng rào thuế quan giảm, thị trường mở rộng… Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), nhờ các cam kết cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, thì hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn, ổn định và minh bạch hơn khi tiếp cận thị trường các đối tác FTA.
Tuy nhiên, lợi thế cũng đi cùng với hàng loạt những khó khăn khi mà hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đương đầu bởi các rào cản về thương mại, chống bán phá giá từ các nước tham gia FTA, TPP… Chỉ trong vòng mấy tháng đầu năm 2015, rất nhiều các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như sắt thép, gỗ, da giày, thủy sản bị điều tra bán phá giá tại một số thị trường, và có nguy cơ bị khởi kiện.
Đơn cử như cuối tháng 4/2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tra chống bán phá giá với mặt hàng sợi dún polyester nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Ngày 27/5/2015 Tổng vụ Nhập khẩu (Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ) đã ra thông báo về việc tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam và Bulgaria.
Như vậy, đây là lần thứ 6 nước này kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 11/5/2015, Cơ quan biên mậu Canada (CBSA) ra thông báo tiến hành tái điều tra để xác định lại giá trị thông thường và giá xuất khẩu trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng ống thép dẫn dầu (OCTG) nhập khẩu từ Việt Nam.
Tháng 4/2015, Chính phủ Malaysia cũng đã thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn được sơn, phủ màu có xuất xứ Trung Quốc và Việt Nam... Nhiều vụ việc liên quan đến chống bán phá giá với các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam cho thấy, sức ép từ các thị trường có những rào cản thương mại xuất phát từ việc bảo hộ cho ngành sản xuất nội địa là rất lớn. Điều này cũng đặt ra cho các DN xuất khẩu Việt Nam vấn đề phải chủ động ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá để đảm bảo lợi ích.
Các vụ kiện kiểu đó không những sẽ gây thiệt hại nặng cho các DN, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu. Bởi vậy, DN cần phải nắm rõ những quy định về việc phòng vệ thương mại khi xuất khẩu hàng hóa vào các nước có áp dụng các biện pháp này.
Theo các chuyên gia, đối với những thị trường đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như Hoa Kỳ, các nước châu Âu thì việc các vụ kiện chống bán phá giá thường xuyên xảy ra.
Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã có những khuyến cáo đối với các DN xuất khẩu là phải thường xuyên theo dõi, cập nhật những chính sách mới, sử dụng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá để hạn chế thiệt hại của các vụ kiện chống bán phá giá từ các nước nhập khẩu.
Đại diện một DN xuất khẩu cho rằng, ngày càng có nhiều hơn những nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và áp dụng chống bán phá giá. DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với những vụ kiện và gặp rất nhiều khó khăn. Bởi để theo đuổi vụ kiện sẽ rất tốn kém về chi phí, thời gian và đặc biệt phải theo đuổi vụ kiện tại nước sở tại là thách thức không nhỏ đối với DN Việt Nam. Nếu là các DN nhỏ thì rất khó để theo đuổi.
Để có thể tham gia và theo đuổi các vụ kiện, Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, DN cần chủ động đối mặt và chọn công ty luật có uy tín, hiểu rõ các quy định về pháp lý trong vụ kiện để bảo vệ mình.
Bên cạnh đó, cần giữ liên lạc với các cơ quan Nhà nước để được hỗ trợ, nhất là quá trình cảnh báo sớm và hỗ trợ trong quá trình kháng kiện. Trước tình trạng số vụ kiện chống bán phá giá tăng, Cục Quản lý cạnh tranh đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với 12 mặt hàng gồm thủy sản, chất dẻo, cao su, giấy, sợi, may mặc, giày dép, thép, máy móc, linh kiện điện tử, thiết bị điện, nội thất.
Hệ thống cảnh báo này sẽ giúp DN nhận diện nguy cơ bị kiện tại những thị trường trọng điểm, hỗ trợ thông tin điều tra và rà soát. Hệ thống cũng bổ sung dữ liệu nhập khẩu, thông tin thị trường, quy định pháp lý của thị trường xuất khẩu...
Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo sớm sẽ hỗ trợ DN dự báo trước biến động thị trường, nhận biết và phòng tránh khả năng bị kiện chống bán phá giá. Từ đó chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, tăng cường phối hợp giữa DN trong ngành… giúp các DN nhận biết và phòng tránh khả năng bị kiện chống bán phá giá.
Từ năm 2002 đến nay, Việt Nam đã vướng phải hơn 100 vụ kiện chống bán phá giá tại nhiều thị trường xuất khẩu. Riêng 5 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã vướng bốn vụ kiện chống bán phá giá, gồm các mặt hàng tôm, thép, sợi, ống dẫn dầu OCTG… |