Chủ động tạo sân chơi bình đẳng cho DN
Hợp tác nâng cao năng lực cạnh tranh | |
Đối trọng để doanh nghiệp cạnh tranh | |
Chính phủ đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh |
Bảo vệ quá mức sẽ cản trở cạnh tranh
Ở Việt Nam, Luật Cạnh tranh đã có từ năm 2005, cùng với đó là các giải pháp để thực thi, tuy nhiên, nhưng đến nay “chưa có một chính sách cạnh tranh toàn diện và hiệu quả” theo đúng nghĩa. Cạnh tranh chưa phát huy được vai trò đáng có của nó trong hệ thống chính sách kinh tế quốc gia dù chúng ta đã có hơn 30 năm theo đuổi xây dựng nền kinh tế thị trường (KTTT).
Đây là nhận định rất đáng chú ý được đưa ra trong phần về hoàn thiện chính sách cạnh tranh, Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III vừa qua của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM).
Các nhóm nguyên nhân chính được chỉ ra là: Pháp luật và thi hành pháp luật cạnh tranh chưa đáp ứng yêu cầu; Thiếu một sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; Nhiều rào cản kinh doanh và hạn chế cạnh tranh; Xu hướng can thiệp làm hạn chế cạnh tranh của cơ quan nhà nước…
Thực vậy, Luật Cạnh tranh hiện hành có hiệu lực từ năm 2005 dù đã tạo ra một nền tảng pháp lý để xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh nhưng bản thân luật này không để lại nhiều dấu ấn trong đời sống kinh tế xã hội vì còn có nhiều ngoại trừ. Ví dụ như miễn trừ áp dụng điều cấm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, miễn trừ điều cấm về tập trung kinh tế... Luật cũng chưa có quy định cụ thể để xử lý hành vi của cơ quan nhà nước khi họ vi phạm các điều cấm về cạnh tranh.
Bộ máy thực thi pháp luật cạnh tranh hiện nay cũng không đủ năng lực. Trong đó, việc đặt Cục Quản lý cạnh tranh (VCA) tại Bộ Công Thương - cơ quan sở hữu nhiều DNNN hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh đơn thuần - có thể xem là một trở ngại đối với việc thi hành hiệu quả Luật Cạnh tranh. Một cơ quan khác đảm bảo thi hành Luật Cạnh tranh là Hội đồng cạnh tranh (VCC).
Tuy nhiên, thành viên của VCC chủ yếu là các quan chức của các bộ, ngành và thiếu các chuyên gia kinh tế hay pháp luật về cạnh tranh. Điều này khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về khả năng đưa ra các phán quyết có hiệu quả về việc duy trì một môi trường KTTT cạnh tranh lành mạnh.
Hiện tượng các cơ quan nhà nước dành ưu ái cho DNNN ở cả cấp trung ương và địa phương lâu nay cũng đã tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu bình đẳng mà ở đó, các DNNN được tiếp cận nguồn lực nhiều hơn, được trao nhiều quyền kinh doanh hơn, thậm chí độc quyền. Tuy về luật pháp không còn phân biệt DN FDI hay DN trong nước nhưng thực tế, DN FDI vẫn được ưu đãi hơn về tiếp cận đất đai, miễn giảm thuế, ít bị thanh, kiểm tra… khiến các DN vốn đã nhiều yếu thế lại càng khó cạnh tranh hơn.
“So với Danh mục kiểm tra về cạnh tranh (hướng dẫn của OECD để các nước thành viên sử dụng khi xây dựng chính sách, pháp luật) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các quy định về kinh doanh của Việt Nam hầu hết đều có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh”, ông Nguyễn Anh Dương, Phó ban chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho biết. Việt Nam vẫn can thiệp vào giá bán nhiều hàng hóa quan trọng (xăng dầu, than, đất…).
Lại có những quy định khiến một số DN gặp bất lợi hơn (như điều kiện kinh doanh đào tạo lái xe là phải dùng phần mềm của Tổng cục Đường bộ)… “Dù động cơ ban đầu là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc bảo vệ môi trường và quản lý nhà nước là cần thiết nhưng bảo vệ quá mức sẽ tạo ra chi phí không cần thiết cho nền kinh tế và cản trở cạnh tranh, giảm cơ hội đạt được tăng trưởng cao và bền vững” – ông Dương nói. Đã vậy, xu hướng can thiệp làm hạn chế cạnh tranh của cơ quan nhà nước, nhất là ở các cấp địa phương xuất hiện ngày càng nhiều.
Thiếu vắng một chính sách cạnh tranh toàn diện đã khiến nền kinh tế trì trệ, thiếu năng động và năng suất tăng chậm… và cạnh tranh quốc tế thấp.
Coi cạnh tranh là đột phá
Như vậy, để có một nền KTTT lành mạnh và hiệu quả, Chính phủ cần xây dựng một chính sách cạnh tranh quốc gia với tư duy toàn diện về cạnh tranh, trong đó coi thúc đẩy cạnh tranh là một trụ cột của việc thực hiện đột phá trong xây dựng thể chế KTTT định hướng XHCN. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần thay đổi, phải chuyển từ can thiệp, điều khiển trực tiếp sang nhà nước hỗ trợ và định hướng gián tiếp và thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua việc xây dựng một môi trường kinh doanh thực sự cạnh tranh, bình đẳng để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư.
Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh hiện hành cần được sửa đổi theo hướng làm rõ các quy định pháp luật, giảm các trường hợp ngoại lệ và tăng các hình thức chế tài để đảm bảo tính răn đe. Nhà nước cần nâng cao vị thế của VCA và VCC để các cơ quan này có thể đảm bảo pháp luật cạnh tranh được tuân thủ đầy đủ, mà hướng tốt và phù hợp nhất là cần tăng tính độc lập và năng lực (nhân lực) cho các cơ quan này trong bối cảnh Chính phủ đang nghiên cứu để tách các DNNN ra khỏi các bộ chủ quản trong thời gian tới đây.
Song song với đó, Nhà nước cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ chương trình cải cách DNNN theo hướng giảm thiểu phạm vi hoạt động, nâng cao chất lượng quản trị và đảm bảo cạnh tranh. Nhà nước cần rút lui khỏi những lĩnh vực thương mại đơn thuần, không mang tính chiến lược và không cần sự tham gia của Nhà nước, để tạo không gian và môi trường bình đẳng hơn cho khu vực kinh tế tư nhân. Trong các lĩnh vực DNNN đang độc quyền, ví dụ như phân phối điện, Nhà nước cần sớm tự do hóa kinh doanh, cho phép các thành phần kinh tế khác tham gia để tăng cạnh tranh.
Mặt khác, Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách thể chế, tự do hóa kinh doanh, thúc đẩy gia nhập thị trường, tăng cạnh tranh. Cần rà soát lại toàn bộ các quy định pháp luật về 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để loại bỏ bớt những ngành, nghề không cần điều kiện và đơn giản hóa thủ tục cấp phép đối với các ngành, nghề cần quản lý bằng cấp phép. Đồng thời, cần rà soát lại các quy định pháp luật khác, bao gồm các quy định về thuế, lao động, bảo hiểm… tạo thuận lợi nhất cho DN hoạt động để DN tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh và có thêm động lực sáng tạo.
Ngoài ra, cần chuẩn bị các điều kiện về pháp lý và năng lực cạnh tranh của DN để có thể thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế theo các FTA Việt Nam mới đàm phán, ký kết gần đây như TPP, EVFTA... Tự do hóa thương mại, đầu tư quốc tế kết hợp với cải cách thể chế trong nước sẽ tạo ra động lực và điều kiện to lớn cho các DN trong nước vươn lên cạnh tranh trên sân nhà cũng như nền kinh tế toàn cầu. Ngược lại, việc trì hoãn thực hiện cam kết quốc tế chỉ làm cho cơ hội của nền kinh tế đến chậm hơn hoặc mất đi trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt hiện nay.
“Như vậy, một chính sách cạnh tranh toàn diện không chỉ là Luật Cạnh tranh và việc thi hành nó mà căn bản nó phải là một tư duy về việc tích cực, chủ động tạo dựng một sân chơi bình đẳng cho DN thuộc mọi loại hình, quy mô và lĩnh vực để nguồn lực quốc gia được sử dụng hiệu quả nhất và để DN luôn có động lực đổi mới, sáng tạo. Đó là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững” – ông Dương nhấn mạnh.