Chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy nhấn chìm đồng USD
Nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại sau khi Cohhn từ chức | |
Nỗi lo về “cuộc chiến thương mại” với chính sách bảo hộ và đồng USD yếu |
Ảnh minh họa |
Các nhà đầu tư lo ngại sự ra đi của Gary Cohn - cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump sẽ tạo điều kiện cho chủ nghĩa bảo hộ trong chính quyền Mỹ trỗi dậy khi ông Trump cố gắng áp đặt mức thuế nặng nề đối với thép và nhôm nhập khẩu.
“Không rõ liệu Trump có đang sử dụng các mức thuế trên như là một chiến thuật đàm phán hay không. Bất kể trường hợp nào, chúng ta không thể bỏ qua nguy cơ bảo hộ”, Ayako Sera - nhà kinh tế thị trường tại Trust Sumitomo Mitsui Trust Bank nói.
Đồng USD vì thế tiếp tục giảm mạnh 0,4% so với yên Nhật, rơi xuống còn 105,69 JPY/USD, tiến gần mức đáy 16 tháng là 105,24 JPY/USD thiết lập hôm 16/2. Nếu đồng bạc xanh xuyên thủng mức đáy này, nó rất có thể sẽ kiểm tra lại mức 101,19 JPY/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016 ngay sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
So với đồng Franc Thụy Sĩ – một đồng tiền cũng được xem là tài sản an toàn khác, đồng USD cũng giảm 0,36% cuống còn 0,9373 CHF/USD.
“Kết quả tồi tệ nhất đối với các thị trường tài chính, nhiều khả năng sẽ biến động mạnh, sẽ là sự xác nhận tình trạng xung đột thương mại ngày càng gia tăng và sự “bỏ bê” đồng đôla trong ngắn hạn”, các nhà phân tích tại ANZ cho biết.
Các nhà đầu tư nghi ngờ các lực lượng bảo hộ tại Nhà Trắng sẽ ủng hộ việc sử dụng đồng đôla yếu để tăng cường khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Mỹ trong khi làm cho nhập khẩu trở nên đắt hơn.
Kể từ khi Trump công bố kế hoạch áp thuế với thép và nhôm nhập khẩu của mình vào thứ Năm tuần trước, chỉ số USD so với giỏ 6 đồng tiền chủ chốt đã giảm khoảng 1,3% xuống còn 89,55 điểm, gần sát mức thấp nhất trong 2 tuần qua.
Trong khi đó, đồng euro có thời điểm đã chạm mức cao nhất trong 2 tuần là 1,2429 USD và hiện đang được giao dịch ở mức 1,2421 USD, tăng 0,14%, mở rộng mức tăng của ngày thứ Năm.
Giới thương nhân cho biết có thông tin là NHTW châu Âu (ECB) có thể sẽ giảm bớt sự thiên vị nới lỏng tại cuộc họp chính sách diễn ra trong tuần này, mặc dù Chủ tịch ECB Mario Draghi đã cho thấy có rất ít yêu cầu cấp bách về sự thay đổi trong thời gian gần đây.
Đồng USD cũng chịu thêm áp lực sau khi Hàn Quốc tuyên bố sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Bắc Hàn trong hơn một thập kỷ, làm giảm căng thẳng về địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên. Họ cũng cho biết, Bắc Triều Tiên sẵn sàng đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa và sẽ đình chỉ các cuộc thử hạt nhân trong khi các cuộc đàm phán đang được tiến hành.
Thông tin này đã thúc đẩy khẩu vị rủi ro vào thứ Ba và nâng đỡ các loại tiền tệ như đồng đôla Úc, trước khi số liệu thương mại đáng thất vọng của nước này được công bố đẩy đồng đôla Úc giảm trở lại.
Hiện đôla Úc giảm 0,29% xuống còn 0,7806 USD.
Đồng đôla Canada và đồng peso Mexico cũng bị ảnh hưởng khi sự ra đi của Cohn có thể gay ra nguy cơ Washington rút khỏi NAFTA.
Hôm thứ hai, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cho biết, thời gian để làm lại thỏa thuận đã diễn ra “rất ngắn” và một lần nữa nêu lên khả năng Mỹ sẽ theo đuổi các thỏa thuện song phương với các đối tác của mình.
Đôla Canada giảm 0,4% xuống còn 1,2960 CAD/USD, gần mức thấp nhất trong 8 tháng là 1,3002 CAD/USD.
NHTW Canada, đã từng cho rằng sự không chắc chắn về tương lai của NAFTA ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế Canada, dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách vào cuối ngày.
Đồng peso của Mexico giảm 0,5% xuống 18,83 MXN/USD.