Nỗi lo về “cuộc chiến thương mại” với chính sách bảo hộ và đồng USD yếu
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Một ngày trước khi Tổng thống Trump đến khu du lịch trượt tuyết của Thụy Sĩ Davos để tham dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố sự suy giảm của đồng USD mang lại lợi ích cho kinh tế Mỹ; trong khi Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nói rằng Mỹ sẽ đấu tranh quyết liệt để bảo vệ các nhà xuất khẩu trong nước.
“Rõ ràng một đồng USD yếu hơn là điều tốt cho chúng tôi vì nó liên quan đến thương mại và cơ hội”, ông Mukuch nói với các phóng viên ở Davos. “Về lâu dài, sức mạnh của đồng USD là sự phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và thực tế là nó sẽ và sẽ tiếp tục là đồng tiền dự trữ chính”, ông nói.
Đồng bạc xanh, đã mở rộng đà giảm từ đầu năm 2018 sau phát biểu của Mnuchin, hiện đang ở mức thấp nhất trong 3 năm theo chỉ số Bloomberg Dollar. Các nhà đầu tư đang bán tháo đồng tiền này một phần vì lo ngại về chính sách bảo hộ của Trump, đã được nhấn mạnh bởi động thái ấn định thuế nhập khẩu cao đối với máy giặt và pin mặt trời trong tuần này.
Trong khi phát biểu của Mukuchin cho thấy sự nghi ngại của chính quyền Trump về một đồng tiền mạnh, nó đã đánh dấu một cuộc đối đầu với giới tinh hoa toàn cầu ở Davos về chính sách “America First” của họ. Bộ trưởng Thương mại Ross đã phụ họa cùng Mnuchin khi cho biết, sẽ có nhiều hơn các biện pháp bảo vệ thương mại của Mỹ trong giai đoạn sắp tới.
“Các cuộc chiến tranh thương mại diễn ra hàng ngày”, Wilbur Ross nói và nhấn thêm: “Vì vậy, cuộc chiến thương mại đã được thực hiện trong một thời gian khá dài. Sự khác biệt là hiện Mỹ sẽ phòng vệ”.
Đó là một thông điệp mà ông Trump có thể sẽ đích thân gửi đi vào ngày thứ Sáu khi ông là Tổng thống đầu tiên của Mỹ trong 18 năm qua diễn thuyết ở Davos, nơi hội tụ các nhà lãnh đạo các Tập đoàn lớn và nhà đầu tư, những người có xu hướng ủng hộ tự do thương mại.
Quan điểm của Trump đã thách thức các đại biểu tại Davos, nhất là các nhà lãnh đạo đồng nhiệm đang muốn sử dụng diễn đàn để nói lên toàn cầu hoá như là một động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thông báo rằng nhóm gồm 11 nước Thái Bình Dương đã đồng ý thúc đẩy Hiệp định thương mại châu Á-Thái Bình Dương mà ông Trump đã rút khỏi năm 2017. Liu He, một cố vấn kinh tế hàng đầu cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã sử dụng một bài phát biểu tại Davos để cam kết rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, động thái mới nhất của Mỹ về việc tăng hàng rào thuế quan đã làm tăng các mối quan ngại đối với kinh tế thế giới, vốn đang hoạt động tốt nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã được các diễn giả ở Davos chỉ ra như là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng toàn cầu.
“Nước Mỹ thời điểm này đang trong một chế độ tương đối “hiếu chiến” đối với các thỏa thuận thương mại”, Axel Weber - Chủ tịch Tập đoàn ngân hàng UBS nói với Bloomberg Television ở Davos hôm thứ Tư. “Hầu hết các công ty ở đây đã phát triển mạnh từ toàn cầu hóa và có thể cung cấp các dịch vụ trên toàn cầu. Liệu sẽ có một thất bại?”
Tuy nhiên, Chủ tịch Công ty DowDuPont, ông Andrew Liveris, cho biết tại Davos rằng các chính sách thương mại của Trump đã giúp các công ty Mỹ trong việc đàm phán các hợp đồng ở nước ngoài. Đó là bởi vì các quốc gia đang lo ngại rằng nếu họ không dừng nhắm vào các công ty Mỹ, các công ty của họ có thể bị từ chối các cơ hội ở Mỹ.