Chuyển động chính sách “nắn” dòng FDI
Thu hút được 12,94 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm | |
Việt Nam sẽ hút mạnh vốn FDI | |
Thu hút FDI: Niềm vui 6 tháng và bài toán dài hạn |
Thu hút FDI đã bước vào giai đoạn phải sàng lọc mạnh hơn về chất lượng, đẩy mạnh tính lan toả với khối DN trong nước và siết chặt phân cấp quản lý. Đây là những yêu cầu được đặt ra trong bối cảnh dòng vốn này đang tăng trưởng mạnh mẽ song cũng bộc lộ không ít mặt trái.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 7 tháng đầu năm 2016, cả nước đã thu hút được gần 13 tỷ USD vốn FDI, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, khu vực FDI tiếp tục là chủ thể đầu tư tích cực nhất, với tốc độ gia tăng đầu tư nhanh nhất trong 7 tháng đầu năm. Đây cũng là khu vực có mức giải ngân đầu tư lớn nhất.
Trước sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn ngoại, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (Vafie) cho rằng, không nên quá phấn khích trước thành tích này mà quên mục tiêu quan trọng hơn là chú trọng vào chất lượng dòng vốn. “Tôi cho rằng, hai chuyện cần đặt lên hàng đầu trong giai đoạn tới là tính lan toả của vốn FDI, và phân cấp quản lý dự án”, ông Toàn đặt vấn đề.
Ảnh minh họa |
Đề cập tới tính lan toả của vốn FDI, ông Toàn cho rằng đã có điều kiện cần, là việc nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn và có công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam. DN FDI cũng đã làm tốt việc kết nối hai khu vực FDI với DN nội địa. Song chúng ta lại thiếu điều kiện đủ, bởi Việt Nam chưa làm tốt phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp DN nội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, vấn đề này đang dần được cải thiện trước các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó là các chính sách rất cụ thể cũng đang được triển khai. Đơn cử như Quỹ Phát triển DNNVV, thuộc Bộ KH&ĐT, mới đây đã khởi động các chương trình cho vay trong năm 2016.
Đây là chương trình hỗ trợ toàn diện cho DN thông qua hai hình thức hỗ trợ tài chính và tăng cường năng lực. Cụ thể, Quỹ triển khai hoạt động vay vốn thông qua ngân hàng ủy thác với lãi suất và thời hạn ưu đãi, cùng với các hoạt động tăng cường năng lực nhằm đảm bảo hiệu quả của khoản vay. Các DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho ngành cơ khí, điện tử là một trong 4 đối tượng cho vay chính của quỹ này.
Ông Toàn đánh giá, đây là hỗ trợ thiết thực song tiếc rằng việc triển khai hiện nay còn khá chậm. Bởi ngoài tiếp cận vốn, các DN làm công nghiệp hỗ trợ còn gặp vướng mắc ở rất nhiều vấn đề như công nghệ, năng lực quản lý, công nghệ thông tin… Vì vậy, sắp tới cần nhiều hơn các chương trình hỗ trợ trong các lĩnh vực này để DN trong nước nâng cao năng lực, đủ sức hấp thụ lan toả từ khối FDI.
Bên cạnh đó, sự cố vừa qua liên quan đến hoạt động của Formosa cũng đưa ra cảnh báo về việc phải xem xét lại phân cấp quản lý FDI. Ông Toàn phân tích, trong vụ việc của Formosa, cho tới nay chúng ta vẫn chưa xác định được người phải chịu trách nhiệm. “Lãnh đạo Hà Tĩnh nói chúng tôi chẳng có trách nhiệm gì cả, chúng tôi làm tất cả đều rất đúng quy trình. Nếu đúng thì tại sao lại gây hậu quả nghiêm trọng?”, ông Toàn đặt câu hỏi.
Phó chủ tịch của Vafie cho rằng phân cấp quản lý là chủ trương đúng, nhưng lại chưa đi đến tận cùng. Ông khuyến cáo, phải làm sao phân cấp đến người đứng đầu và quy trách nhiệm đến cá nhân người thực hiện để khi có vấn đề gì đó xảy ra thì quy được trách nhiệm cụ thể.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng đây là thời điểm cần xem lại cơ chế phân cấp lâu nay theo hướng giảm bớt quyền của địa phương. Bởi trong thời kỳ đầu của quá trình thu hút vốn FDI, các nước đang phát triển có xu hướng nới lỏng các tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn môi trường nhằm cạnh tranh thu hút nguồn vốn. Đây cũng là cơ sở để các địa phương “nhắm mắt” chạy đua thu hút vốn. Song giai đoạn tới cần có cơ chế sàng lọc mạnh hơn.
TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, vai trò của bộ, ngành cần được chú trọng hơn nữa. Ông khuyến nghị cần đặt ra một ngưỡng quy mô đối với dự án FDI mà ở đó, các bộ, ngành phải vào cuộc thẩm định. Chẳng hạn các dự án sử dụng trêm 50 ha đất hoặc có vốn 100 triệu USD trở lên thì phải đưa lên Trung ương cùng xem xét, thay vì để cho địa phương tự thẩm định và xin ý kiến như hiện nay.
Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ KH&ĐT cũng vừa ban hành Thông tư 09/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thông tư nêu rõ việc theo dõi, kiểm tra và đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài. Vì vậy, đây là dịp để phát hiện những vấn đề bất hợp lý, kịp thời điều chỉnh pháp luật, cơ chế chính sách về đầu tư nước ngoài.