Việt Nam sẽ hút mạnh vốn FDI
Thu hút FDI: Niềm vui 6 tháng và bài toán dài hạn | |
Thu hút được gần 11,3 tỷ USD vốn FDI trong 6 tháng đầu năm | |
Ưu đãi tài chính cho DN FDI quá lớn |
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2016, có 1.145 dự án mới được cấp phép với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký lên đến 11,3 tỷ USD, tăng 105% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo, với việc Việt Nam chính thức ký kết và trở thành thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì trong tương lai sẽ tác động tới vốn FDI thế nào.
Ảnh minh họa |
Đến nay, trong tổng số 12 quốc gia thành viên TPP, nhiều nước đã trở thành những nhà đầu tư FDI hàng đầu tại Việt Nam như Nhật Bản, Singapore, Malaysia. Các quốc gia thành viên TPP khác như Canada, Australia, New Zealand, Brunei mới chỉ đăng ký FDI vào Việt Nam ở mức độ còn khá hạn chế. Đây sẽ là tiềm năng để Việt Nam có thể đẩy mạnh thu hút FDI khi chính thức tham gia TPP.
Trong các quốc gia thành viên TPP đã đầu tư vào Việt Nam, Mỹ được xem là nước có tiềm lực đầu tư lớn nhất, nhưng tính đến cuối năm 2015, họ mới chỉ xếp thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam, với lượng vốn đăng ký còn rất nhỏ bé so với tiềm lực của họ. Do đó, Mỹ được xem là quốc gia có tiềm năng rất lớn đầu tư FDI vào Việt Nam khi TPP được thực thi.
Theo các chuyên gia kinh tế, tham gia TPP đã mở ra tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam. TS. Vũ Xuân Dũng – Trường Đại học Thương mại nhìn nhận khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ có những cơ hội để “hút” vốn FDI.
Bởi với Hiệp định TPP, các nước thành viên TPP sẽ cắt giảm gần như toàn bộ thuế đối với thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư; tăng độ mở cửa của dịch vụ; tăng cường quy định liên quan đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường minh bạch trong cạnh tranh; giải quyết các vấn đề về lao động;…
Trong đó, các nước thành viên TPP đã cam kết mở cửa khá cao cho hàng hóa Việt Nam bằng việc cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong điều kiện đó, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên sẽ ngày càng mở rộng.
TPP còn mang lại cơ hội mới khá rõ ràng cho tăng trưởng dòng vốn FDI từ các nước ngoài TPP vào Việt Nam. Theo TS. Vũ Xuân Dũng, mặc dù TPP là sân chơi dành riêng cho các thành viên tham gia ký kết TPP song những lợi ích về phát triển thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và các lĩnh vực khác sẽ tạo nên cơ hội và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đến từ các quốc gia ngoài TPP.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến cuối năm 2014, các nhà đầu tư đến từ các nước ngoài TPP đã đăng ký 12.002 dự án FDI vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 152,29 tỷ USD, chiếm khoảng 60,3% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Đến cuối năm 2015, những con số này vẫn tiếp tục được gia tăng và đạt kết quả 13.604 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt gần 169,25 tỷ USD.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để có thể tận dụng được các cơ hội và vượt qua được các thách thức mới nhằm đẩy mạnh thu hút FDI sau khi Việt Nam gia nhập TPP, trong điều kiện hiện nay, Việt Nam cần phải triển khai các giải pháp căn bản như sau: tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường quản lý và kiểm soát đối với FDI, quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TPP và tác động của nó, đồng thời thực hiện công tác xúc tiến đầu tư một cách hiệu quả, xây dựng các chính sách phù hợp để bảo vệ lợi ích hợp pháp của những nhóm chủ thể dễ bị tổn thương trước tác động của TPP.
Có thể thấy rằng, nhìn vào tổng thể, kể từ khi Việt Nam bắt đầu tham gia đàm phán TPP cho đến trước thời điểm kết thúc đàm phán, TPP đã có những tác động tích cực đến FDI tại Việt Nam. Đầu tư FDI vào Việt Nam vẫn gia tăng cả về số dự án và số vốn đăng ký, trong đó, các quốc gia tham gia TPP luôn là những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tương lai Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư FDI trên thế giới sau khi gia nhập TPP.