Thu hút FDI: Niềm vui 6 tháng và bài toán dài hạn
Hà Nội: Khẳng định vị thế số một về thu hút FDI | |
Phải giải được bài toán “lan tỏa” trong thu hút FDI | |
Thu hút FDI: Tín hiệu sáng từ đầu năm |
Cùng thời điểm này năm ngoái, dòng vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm mạnh đã làm dâng lên lo ngại rằng môi trường đầu tư đang kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau đó, vốn FDI vào Việt Nam đã có sự đảo chiều ngoạn mục và xu thế này vẫn tiếp diễn cho tới nay.
Động lực quan trọng cho tăng trưởng
Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến ngày 20/6, cả nước có 1.145 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,49 tỷ USD, tăng 95,3% so với cùng kỳ năm 2015; và 535 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 3,78 tỷ USD, tăng 129% so với cùng kỳ.
Như vậy, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đã đạt 11,28 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2015, con số này cao gấp hơn 2 lần. Những số liệu ấn tượng trên cho thấy Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong mắt các NĐT nước ngoài.
Thay vì hạn chế FDI, phải thúc đẩy DN trong nước phát triển nhanh và mạnh hơn |
Đó vẫn chưa phải biểu hiện tích cực duy nhất của dòng vốn FDI. Bởi theo GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm khối FDI đã nổi lên là động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhất, thể hiện ở dòng vốn giải ngân tăng mạnh chưa từng có.
Ông Mại dẫn chứng, năm 2015 tăng trưởng vốn FDI thực hiện đã đạt 12,15%, cao nhất trong vòng 15 năm qua. Tuy nhiên tới 6 tháng đầu năm 2016, con số này thậm chí còn cao hơn, tăng tới 15,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Đánh giá về chất lượng dòng vốn, ông Mại cho biết hiện nay DN FDI đã đóng góp khoảng 20% tổng thu ngân sách Nhà nước và 20% GDP của Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, sự đóng góp của DN FDI không chỉ đơn thuần cho tăng trưởng, mà còn tạo nên thế mạnh của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
“Nếu không có tổng kim ngạch xuất khẩu 162 tỷ USD trong năm 2015 mà phần lớn trong đó là đóng góp của khối FDI, chắc chắn Việt Nam không thể là 1 trong 12 nước đồng sáng lập TPP”, ông Mại nhấn mạnh.
Giảm tốc để thu hẹp khoảng cách
Mặc dù thu hút FDI 6 tháng đầu năm cao gấp đôi so với cùng kỳ, song Cục Đầu tư nước ngoài dự báo, điều này không có nghĩa là cả năm nay vốn FDI cũng sẽ cao gấp đôi hay gấp rưỡi năm ngoái.
Còn nhớ hết 6 tháng đầu năm 2015, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm mới đạt 5,49 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2014. Thực trạng khi đó khiến dư luận không khỏi quan ngại, song kết thúc năm 2015, vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt khoảng 24 tỷ USD. Cục Đầu tư nước ngoài dự báo, khả năng đến cuối năm nay, vốn FDI đăng ký sẽ chỉ tăng khoảng 10 - 15% so với năm ngoái, chứ khó có thể cao hơn được.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả chung cuộc như vậy là điều hợp lý và cần thiết. Tại cuộc Đối thoại chính sách đầu tư 2016 do Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tổ chức mới đây, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẳng thắn nêu quan điểm, đây là lúc DN FDI cần phải chia sẻ với các DN Việt Nam để hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam nói chung. Có như vậy DN Việt Nam mới có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Dũng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định cần thu hẹp khoảng cách giữa DN FDI và DN trong nước, song không phải tìm cách hạn chế FDI. Thay vào đó khi FDI mạnh lên, phải tạo điều kiện để DN Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, nhằm nhanh chóng thu hẹp được khoảng cách.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra rằng, nếu phân loại theo mục đích hoạt động của NĐT nước ngoài, có 3 loại cần chú ý. Loại thứ nhất không quan tâm đến sản xuất kinh doanh, chỉ bỏ vốn ra và tìm cách để có được lợi nhuận, chia được lợi tức. Loại thứ 2 là hợp tác cùng có lợi, cùng nhau chia sẻ lợi ích. Loại thứ 3 là mua bán, sáp nhập. “Chúng tôi thận trọng với từng mô hình này và mỗi loại sẽ có cách ứng xử khác nhau để làm sao DN FDI hỗ trợ, thúc đẩy DN Việt Nam”, ông Dũng khẳng định.
Với định hướng như vậy, dự báo trong 6 tháng cuối năm dòng chảy vốn FDI sẽ tiếp tục vào Việt Nam tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo để hoàn thành chuỗi sản xuất trong các ngành điện tử, dệt may... Song trong các lĩnh vực này sẽ khó có đột phá từ dự án tỷ đô, mà chủ yếu là nhờ các dự án nhỏ “tích tiểu thành đại”.
Ngay trong 6 tháng qua, có thể thấy vốn FDI vào dệt may, ngành “bội thu” vốn trong năm 2015, cũng đã giảm tốc. Bởi trong danh sách các dự án FDI lớn nhất 6 tháng qua đã không thấy bóng dáng dự án dệt may nào, mặc dù theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, NĐT ngoại đã rót vào ngành này khoảng 500 triệu USD trong 5 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, để tạo ra chuyển biến mạnh thì theo cơ quan quản lý vẫn phải dựa vào một số dự án tỷ đô. Điểm khác biệt là trong năm nay, tâm điểm thu hút vốn lớn có vẻ sẽ nằm ở lĩnh vực hạ tầng.