Cơ hội đang mở cho nhiệt điện
Từ nay đến cuối năm, các cổ phiếu ngành điện vẫn chịu rủi ro bởi các yếu tố như: chính sách và các quy định điều tiết từ EVN; sản lượng huy động phụ thuộc mạnh vào thời tiết; giá khí và than có xu hướng tăng… Tuy nhiên nhiều phân tích của các công ty chứng khoán (CTCK) cho thấy các yếu tố hỗ trợ lại nhiều hơn trong dài hạn.
Ảnh minh họa |
Theo một báo cáo của CTCK Bản Việt (VCSC), sản lượng tiêu thụ điện năm 2017 khoảng 159 tỷ KWh và tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện dự kiến các năm tới sẽ ở mức trên 2 con số, cao hơn tăng trưởng GDP. Thông tin từ EVN thêm minh chứng nhận định này với lũy kế 8 tháng sản lượng toàn hệ thống đạt 145,15 tỷ kWh, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó kế hoạch sản xuất kinh doanh của EVN đã được phê duyệt, dự kiến tăng trưởng tiêu thụ điện ở mức 10%/năm giai đoạn 2018-2020. Rất ít nhà máy điện mới được đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2018-2020 và dự phòng điện giảm về mức rất mỏng.
Thủy điện hiện đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống lưới điện quốc gia, khi chiếm 45-49% công suất lưới điện của Việt Nam và 50-56% công suất điện của miền Bắc trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, cơ hội phát triển thủy điện mới đã bị hạn chế.
Phân tích mới đây của CTCK Sài Gòn (SSI) cũng chỉ ra các dự báo thời tiết gần đây cho thấy hiện tượng thời tiết El Nino có thể quay trở lại từ cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019. Nắng nóng, hạn hán kéo dài có thể làm giảm sản lượng từ các nhà máy thủy điện và cung cấp thêm cơ hội cho các nhà máy nhiệt điện. Cộng hưởng cơ hội cho các nhà máy nhiệt điện còn có yếu tố đầu vào và đầu ra của sản xuất.
Trong năm 2018, Chính phủ nâng trần xuất khẩu lên 4 triệu tấn than cũng như hỗ trợ xuất khẩu than sang Nhật Bản. Giá than đá dự kiến sẽ duy trì ở mức cơ sở cao (khoảng 80 USD/tấn) khi tình trạng thiếu than tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, giá than trong khu vực sẽ giảm 18-20% trong vòng 5 năm tới. Diễn biến này là do trong khu vực sẽ có dư thừa nguồn cung than khi phần lớn quốc gia điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng công suất.
Hợp đồng điện dài hạn cũng đang trở thành điểm tựa cho nhiều DN nhiệt điện. Như PPC, bên cạnh áp lực 90-95 lượng bán theo hợp đồng của nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 1 sẽ hết hạn vào cuối năm 2019, còn có nhà máy Phả Lại 2 được đảm bảo bằng hợp đồng kéo dài 17 năm và có hiệu lực từ giai đoạn 2014-2031.
Với HND, đã ký hợp đồng mua bán điện thời hạn 25 năm với EVN từ năm 2011. Theo hợp đồng, HND sẽ bán cho EVN 5,5-6 tỷ kWh với phần cố định trong giá bán là 601VND/kWh, trong khi phần biến đổi được tính theo giá than. Phần biến đổi năm 2017 là 896VND/kWh cạnh tranh so với các nhà máy điện than khác trong nước.
Những nhà máy này còn có vị trí lý tưởng gần với nguồn tiêu thụ, nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào và các công ty tiêu thụ xỉ than. Cùng với đó là vai trò quan trọng trong nguồn cung điện ở miền Bắc khi nằm ngay sát các khu công nghiệp, đảm bảo cho hiệu suất hoạt động cao.
Những điểm yếu cũng đang được các DN nhiệt điện khắc phục. Ví như PPA, Ban lãnh đạo lên kế hoạch để nâng cấp các máy móc và thiết bị chính cho Phả Lại 1 nhằm chuẩn bị cho thị trường ngày càng tự do hóa. Giá trên hợp đồng cạnh tranh sẽ tăng dần mỗi năm có thể giúp giảm rủi ro dành cho Phả Lại 1. Giá điện thị trường ước tăng 43,4% cả năm 2018. Xu hướng tăng sẽ duy trì trong năm 2019 khi EVN phải tăng huy động điện từ các nhà máy nhiệt điện có chi phí cao. Bên cạnh đó, giá điện bán lẻ Việt Nam hiện thấp hơn 50% so với trung bình các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và kỳ vọng sẽ tăng từ 7,6 lên 9 USD cent vào năm 2020. GDP bình quân đầu người gia tăng cũng sẽ hỗ trợ quá trình tự do hóa ngành điện.
Với Tổng công ty Điện lực Dầu khí (POW), hiện các nhà máy nhiệt điện khí chiếm 64% công suất, lợi nhuận gộp đang được cải thiện với chi phí khấu hao nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2 giảm 361 tỷ đồng trong năm 2018 và 704 tỷ đồng trong năm 2019, cải thiện trực tiếp lợi nhuận gộp. Kế hoạch đầu tư nhà máy nhiệt điện khí NT3, NT4 giai đoạn 2020-2023, gia tăng 35,7% công suất phát điện cùng kế hoạch thoái vốn nhà nước cho đối tác chiến lược và niêm yết HSX ngay trong tháng 10/2018 sẽ là những động lực tăng trưởng mới cho POW.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các DN nhiệt điện cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng mạnh so với cùng kỳ. PPC thực hiện được 63% kế hoạch doanh thu và vượt 20% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (LNTT) cả năm. Nhiệt điện Hải Phòng (HND) quý II lãi trước thuế 190 tỷ đồng, tăng trưởng 63% so với cùng kỳ, nâng tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm lên 347 tỷ đồng, hoàn thành và vượt đến 26% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Với POW, lũy kế 8 tháng đầu năm, sản lượng điện tăng lên gần 14.833 triệu kWh, doanh thu ở mức 21.655 tỷ đồng, lần lượt thực hiện 69% và 73% kế hoạch cả năm.