Thị trường tiềm năng cho cá tra Việt
Cá tra chinh phục thị trường nội địa | |
Giành lại thị trường xuất khẩu chính |
Trung Quốc gia tăng nhập khẩu cá tra
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu (XK) cá tra Việt Nam sang Trung Quốc có kim ngạch tăng đều từ năm 2010-2016.
Cụ thể: Năm 2011, XK đạt 56 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,1% trong tổng giá trị XK mặt hàng này. Năm 2015, con số XK sang Trung Quốc đạt 162 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,3% và năm 2016, kim ngạch XK đạt mức 305 triệu USD, chiếm tỷ trọng 17,8%. Vẫn trên đà tăng trưởng đều đặn, 8 tháng đầu năm 2017, XK cá tra sang Trung Quốc ghi nhận giá trị 247 triệu USD, chiếm 21,3%, đứng đầu trong tỷ trọng XK cá tra Việt Nam.
Trung Quốc là thị trường NK cá tra lớn của Việt Nam |
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đánh giá, riêng trong năm 2017, thị trường Trung Quốc có thể coi là “cứu cánh” cho XK cá tra Việt Nam bởi lượng gia tăng XK sang Trung Quốc khá lớn, bù đắp cho những khó khăn trong XK tại các thị trường lớn như Mỹ, EU.
Xét về lợi thế, Trung Quốc có thuận lợi về địa lý là gần Việt Nam, vận chuyển XK thuận lợi. Tiếp tới, khẩu vị và yêu cầu của thị trường này tương đối phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hiện nay, ngoài các tỉnh duyên hải Trung Quốc, phía Đông, các DN đã tiếp thị, quảng cáo sản phẩm cá tra Việt Nam sang tỉnh Tứ Xuyên, Tây Bắc của Trung Quốc, được người dân ở đây cũng rất ưa chuộng. Điều này hứa hẹn thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục rộng mở trong thời gian tới.
Ông Võ Văn Phong – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần XNK Thủy sản An Giang cho biết, trong vòng 2 năm trở lại đây, XK cá tra vào thị trường này tăng trưởng rất cao, đặc biệt, năm 2017, tăng trưởng rất lớn, hiện tại, kim ngạch XK cá tra vào đây đã vượt thị trường Mỹ.
Trong bối cảnh thị trường Hoa Kỳ vướng rào cản về chất lượng, tại thị trường châu Âu, cá tra Việt bị bôi nhọ thì thị trường Trung Quốc được xem là điểm sáng trong XK cá tra Việt thời gian qua. Đối với người nuôi cá tra, đây là tín hiệu đáng mừng vì sản phẩm bán được với giá thành cao. Mặt khác thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, thu hút nguồn nguyên liệu, do đó sẽ là yếu tố kích giá cá tra tăng.
DN cần “đi bằng hai chân”
Theo ông Võ Văn Phong, trước đây, người dân Trung Quốc ít biết về con cá tra, sau khi được sử dụng họ thấy rất thích sản phẩm này và truyền miệng với nhau. Bản thân DN cũng đã sang Trung Quốc và điều tra thì thấy người dân Trung Quốc sử dụng và tiêu thụ cá tra rất tốt.
Tuy nhiên, cùng với việc mở rộng thị trường tại Trung Quốc chúng ta phải phát triển các thị trường khác để khi thị trường Trung Quốc có biến động, giảm hoặc ngưng không NK thì các DN cá tra Việt Nam vẫn có thể chủ động thị trường thay thế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa để con cá tra có thể phát triển bền vững hơn, ông Phong chia sẻ.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tại thị trường Trung Quốc, chỉ có 15% nhà hàng có món ăn cá tra. Mặt hàng này cũng không có tiêu chuẩn của ngành, sản phẩm chủ yếu được NK theo đường tiểu ngạch. Tại Trung Quốc cũng không có hoạt động quảng bá thương hiệu cá tra. Sản phẩm phải thông qua nhiều kênh phân phối trung gian, lợi nhuận thấp, thông tin giữa người mua và người bán rất ít. Vì thế, khi thúc đẩy XK cá tra sang Trung Quốc, DN cá tra Việt Nam cần hợp tác với các đối tác tại Trung Quốc và tạo dựng thương hiệu cá tra Việt Nam tại thị trường này.
Trên thực tế, Trung Quốc là nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh nên nhu cầu về thủy sản cũng tăng cao với chất lượng đa dạng từ thấp đến cao. Với lợi thế có chung biên giới, Việt Nam có thể vận chuyển thủy sản cả đường bộ và đường biển với quãng đường ngắn sang Trung Quốc, thuận lợi cho hoạt động XK của DN. Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản cũng lưu ý các DN cần lưu ý, Trung Quốc là thị trường thiếu tính ổn định với những quy định về hải quan, kiểm dịch thiếu minh bạch và hay thay đổi.
TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản đặt câu hỏi, vậy chiến lược XK của ngành cá tra trong thời gian tới sẽ thế nào? Chúng ta sẽ XK nhiều cá chất lượng thấp tới các thị trường đang phát triển hay nâng cấp ngành cá để tạo ra thương hiệu quốc gia như cá hồi Na Uy hay Scotland để đưa tới các thị trường khó tính hơn.
Bà Minh cho rằng, ngành cá tra Việt Nam cần gộp cả hai phương án trên lại, tức là nên tăng thị phần vào thị trường các nước phát triển bên cạnh việc mở rộng thị phần các nước đang phát triển. Đồng thời xây dựng dòng sản phẩm cao cấp cho thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản.
Đối với thị trường Trung Quốc, để tránh rủi ro XK cá tra vào thị trường này, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, DN và nông dân trong việc điều tiết thị trường, XK, diện tích thả nuôi nhằm có sản lượng ở mức độ phù hợp. Nếu không làm tốt những nhiệm vụ đó, quá trình XK cá tra sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Theo nhận định của nhóm cố vấn và nghiên cứu lương thực và kinh doanh nông nghiệp Ngân hàng Rabobank, nếu 20 năm qua, Trung Quốc là nhà máy chế biến thủy sản hàng đầu thế giới thì trong 20 năm tới, quốc gia này sẽ lột xác thành người tiêu dùng khổng lồ.
Hiện nay, Na Uy đã thực hiện thành công chiến lược đưa cá hồi vào thị trường Trung Quốc và biến thị trường này thành nhà NK cá hồi lớn nhất thế giới. Vì thế các nhà NK thủy sản cần nắm được phân khúc thị trường mục tiêu và học hỏi kinh nghiệm của Na Uy khi đưa sản phẩm thủy sản vào thị trường Trung Quốc để có được thành công.