Cơ hội gọi vốn từ trái phiếu DN
Trái phiếu tiếp tục “hút hàng”, lãi suất kỳ hạn 7 năm giảm mạnh | |
TP.Hồ Chí Minh kiến nghị phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu | |
Tăng sức hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ |
Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã đưa ra bản dự thảo Nghị định mới thay thế cho Nghị định số 90/2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu DN (TPDN).
Ảnh minh họa |
Với việc bỏ đi nhiều điều kiện đối với DN phát hành trái phiếu; đồng thời bổ sung các quy định cụ thể về cơ chế báo cáo, cách thức công bố thông tin, lưu ký trái phiếu… dự thảo nghị định mới về TPDN đang được giới bình luận cho rằng sẽ là cú hích mạnh đối với sự tăng trưởng của kênh tạo vốn cho DN mà từ trước đến nay khá lép vế so với kênh huy động từ tín dụng ngân hàng.
So sánh dự thảo của nghị định mới về phát hành TPDN với Nghị định 90/2011 có thể thấy ngay điểm sửa đổi quan trọng nhất của văn bản luật này là gỡ bỏ các điều kiện “DN phát hành trái phiếu phải có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước có lãi” và “báo cáo tài chính được kiểm toán của DN phát hành phải là báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần”.
Thực tế cho thấy rằng, những quy định bó buộc DN phải có lãi ở năm liền trước và báo cáo tài chính phải được chấp nhận toàn phần đã khiến cho nhiều DN niêm yết dù muốn kêu gọi vốn trung - dài hạn cho chiến lược tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ nhưng không thể thực hiện được bằng cách phát hành trái phiếu.
Điều này, cộng với việc chưa có nhiều tổ chức định hạng tín nhiệm DN khiến cho thị trường TPDN tại Việt Nam nhiều năm nay khá èo uột. Các DN chủ yếu duy trì hình thức phát hành riêng lẻ cho những nhà đầu tư đã được lựa chọn trước khi công bố thông tin chứ không phát hành rộng rãi ra đại chúng.
Thống kê của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy rằng, mặc dù khối lượng TPDN trong năm 2015 tăng thêm khoảng 140.000 tỷ đồng (tăng trưởng khoảng 9,38% so với cùng kỳ), nhưng nếu tính theo tỷ lệ phần trăm GDP thì khối lượng TPDN phát hành tại Việt Nam chỉ tăng rất khiêm tốn ở mức 3,25% năm 2014 lên 3,39% trong năm 2015.
Theo VCBS trong năm 2016, xét về tổng thể, thị trường TPDN chưa có nhiều thay đổi đáng kể về mặt cấu trúc và bản chất. Những vấn đề cơ bản của thị trường vẫn nằm trong tính thanh khoản, độ minh bạch và sự đa dạng của sản phẩm. Tuy nhiên, công ty này cũng nhận định rằng, hiện nay mức độ tham gia của khối DN niêm yết vào thị trường TPDN đã có sự tiến triển mạnh.
Trong năm 2015, các DN thuộc lĩnh vực bất động sản và công nghiệp chế biến chế tạo đã có sự bật lên so với các DN thuộc nhóm ngành khoáng sản và ngân hàng vốn là các chủ thể chính của thị trường TPDN trong suốt nhiều năm qua.
Ghi nhận đến thời điểm tháng 5/2016, dư nợ TPDN phát hành trong nước đạt khoảng trên 144.400 tỷ đồng. Chủ yếu các DN phát hành trái phiếu để huy động vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Hiện các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm và các nhà đầu tư cá nhân cũng đã bắt đầu gia nhập thị trường với tỷ lệ ngày càng lớn. Trong khi đó, các đợt phát hành 9.000 tỷ đồng trái phiếu của Tập đoàn Masan, 2.000 tỷ đồng của Tập đoàn Vingroup hấp dẫn khá đông lượng nhà đầu tư tham gia đấu thầu.
Điều này cho thấy rằng, nếu việc sửa đổi Nghị định 90/2011 được Chính phủ xem xét và ban hành theo đúng kế hoạch dự kiến vào khoảng tháng 6/2017 thì trong khoảng thời gian này hoạt động chuẩn bị cho việc phát hành TPDN nhằm huy động vốn trung - dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc DN sẽ bắt đầu diễn ra đồng loạt.
Khối các DN bất động sản và công nghiệp chế biến chế tạo do phải tính toán cho các kế hoạch đầu tư dài hơi sẽ lo ngại các rủi ro đến từ lãi suất vay vốn trung - dài hạn từ các NHTM và họ sẽ có động lực để tiếp tục phát hành TPDN trong năm 2017 và các năm tiếp theo. Từ đó trở thành các nhóm DN dẫn dắt thị trường TPDN trong giai đoạn nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới.