Tăng sức hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ
Kho bạc Nhà nước: Phát hành 50.000 tỷ đồng TPCP trong quý III/2016 | |
Đã huy động được gần 97 nghìn tỷ đồng TPCP | |
Thêm nhiều sản phẩm mới cho thị trường TPCP |
“279,71 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP), tương đương 91,9% kế hoạch trong năm 2016 đã được huy động thành công”, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HNX cho biết. Về cơ cấu kỳ hạn trái phiếu trúng thầu, trái phiếu kỳ hạn 5 năm vẫn được ưa chuộng nhất với tỷ trọng đạt 63,42% và kỳ hạn bình quân đạt 4,73 năm…
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường TPCP mà HNX đang vận hành là tấm gương để phản chiếu, đo đạc lại tính hiệu quả của các chính sách Nhà nước đưa ra. “Việc vận hành hiệu quả thị trường TPCP thông qua các hoạt động tổ chức đấu thầu tập trung tại HNX là chủ trương rất đúng đắn của Bộ Tài chính”, bà Lan nhìn nhận. Bởi, trước đây, khi chưa có thị trường tập trung, phát hành trái phiếu Kho bạc Nhà nước (KBNN) luôn bị ép giá.
Ảnh minh họa |
Nhưng thời gian gần đây, khi Bộ Tài chính quyết định tất cả các loại trái phiếu, kể cả tổ chức bảo lãnh như Ngân hàng Chính sách xã hội cũng phải đấu thầu tập trung thì tình trạng ép giá, ép lãi suất đã không còn xảy ra. Bởi khi đã đưa lên thị trường sẽ có rất nhiều thành viên tham gia, với sự hấp dẫn của TPCP ít rủi ro nên vào đấu thầu ai cũng muốn mua và tự họ sẽ phải giảm lãi suất.
“Chúng ta đang tổ chức một thị trường TPCP minh bạch, công bằng cho các NĐT. Các mức lãi suất cũng rất minh bạch dựa trên kỳ hạn và theo cung - cầu của thị trường. Chính vì trái phiếu KBNN hầu như không có rủi ro nên thời điểm nào cũng đông khách”, bà Lan cho hay.
Việc đưa các sản phẩm mới vào thị trường thứ cấp của HNX tạo động lực cho thị trường sơ cấp sôi động. Nếu trước đây NĐT chỉ mua và giữ TPCP mà không có chỗ giao dịch, thì nay với cách tổ chức thị trường mới, cùng một lúc NĐT có thể giao dịch được TPCP cả trên thị trường omo và thị trường thứ cấp.
Trên báo cáo tài chính phần doanh thu từ TPCP của các NHTM cực tốt. Ngay cả thời điểm lao đao nhất của NHTM thì khối kinh doanh TPCP vẫn được thưởng. “Việc tổ chức tốt thị trường đấu thầu tập trung sẽ giúp lãi suất ngày càng giảm xuống, khi đó nền kinh tế sẽ được hưởng lợi với mức lãi suất thấp. Áp lực trả nợ của Nhà nước và chi phí cho phát hành cũng giảm theo”, bà Lan dẫn chứng.
Bên cạnh đó để giảm áp lực trả nợ cho NSNN, đồng thời làm tăng tính hấp dẫn của thị trường này, đại diện lãnh đạo HNX cũng cho biết, hiện nay Bộ Tài chính, UBCKNN và HNX đang rất tích cực trong việc thu hút các cơ quan bảo hiểm và các quỹ đầu tư bằng các cuộc tiếp xúc để tìm hiểu xem họ muốn gì, từ đó điều chỉnh các chính sách để đôi bên cùng có lợi. Kết quả là tất cả sản phẩm đang được HNX đưa ra đã thu hút được khá nhiều NĐT. Nếu trước đây 80% NHTM tham gia thị trường TPCP thì nay chỉ còn hơn 60%, các tổ chức bảo hiểm đã chiếm gần 20%, còn lại là các tổ chức khác.
“Đây là điều rất mừng, HNX mong muốn BHXH tham gia ngay từ thị trường sơ cấp, các tổ chức bảo hiểm khác như: Prudential, AAA… cũng đang tích cực tham gia thị trường vì thấy TPCP rủi ro thấp, chính trị và chính sách ổn định, lại có tính thanh khoản rất cao. Việc tham gia của nhiều tổ chức tài chính cùng với sự quan tâm đến loại TPCP dài hạn đang khiến các loại TPCP kỳ hạn 20-30 năm hầu như rơi vào tay các tổ chức bảo hiểm nắm giữ”, bà Lan cho biết thêm.
Lãnh đạo HNX cũng cho biết, với NĐT ngoại, mặc dù tham gia với tỷ lệ không nhiều, chỉ khoảng 4,58% giá trị, nhưng năm 2016 có biểu hiện mua ròng, điều này cho thấy niềm tin của khối này với TPCP đang rất tốt. Tuy nhiên, để thu hút NĐT nước ngoài, Bộ Tài chính và NHNN cần giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến ngoại hối.