Cơ hội phát triển thực phẩm sạch
Hướng tới thị trường sạch | |
Không thiếu công nghệ mới cho thực phẩm sạch |
Với dân số khoảng 10 triệu người, Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau các loại. Nhưng trong danh sách các địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm mà Bộ NN&PTNT công bố gần đây, cả Hà Nội mới chỉ có 7 địa điểm.
Điều này cho thấy, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ người dân tiếp cận được với thực phẩm sạch. Nhưng đồng thời, con số này cũng hé lộ một cơ hội kinh doanh rất lớn, khi đây là một thị trường vô cùng hấp dẫn, đầy tiềm năng để phát triển.
Thị trường thực phẩm sạch còn nhiều cơ hội |
Ông Trần Quân, chủ chuỗi 8 cửa hàng hải sản và thực phẩm sạch Sói Biển chia sẻ, tại Hà Nội, dù nhu cầu loại thực phẩm lớn nhưng cạnh tranh trong ngành này không thật sự gay gắt, bạn có thể tìm thấy vô số địa điểm trong bán kính 2km nhưng không có cửa hàng thực phẩm sạch nào.
Với một cửa hàng nhỏ, tỷ suất lợi nhuận của mặt hàng này khá cao từ 15-30% doanh số, quay vòng vốn lại nhanh, gần như trong một vài ngày là có thể biết lãi/lỗ… Với hai tiêu chí này, có thể thấy ngành thực phẩm sạch khá tiềm năng và có dư địa phát triển.
Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng có thể mở nhanh chuỗi cửa hàng như Sói Biển. Nhiều ý tưởng kinh doanh thực phẩm sạch sau một thời gian kinh doanh đã “biến mất tăm” trên thị trường, đem lại khoản lỗ không nhỏ cho các nhà đầu tư. Chính vì thế, thị trường dù vẫn đầy tiềm năng nhưng luôn bỏ ngỏ.
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài “nhòm ngó” vào lĩnh vực nông nghiệp. Đầu năm nay, 13 DN xuất khẩu thịt lớn của Canada đã sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội giao thương. Đại sứ Canada ở Việt Nam cho biết, xuất khẩu thịt lợn Canada sang Việt Nam năm 2015 đã tăng 230%, một con số cực kỳ ấn tượng.
Trong khi đó, các DN nông sản thực phẩm Hoa Kỳ cũng không thờ ơ với thị trường Việt Nam. Ông David Lennarz, Phó chủ tịch Tập đoàn Registrar Corp cho biết, rất nhiều DN Hoa Kỳ muốn đầu tư vào ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam thông qua các dự án sản xuất thực phẩm sạch.
Đây sẽ là một con sóng thị trường thực sự, theo sau các đàm phán FTA được thực hiện gấp rút, là điều kiện quan trọng đển dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam. Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định: TPP có hiệu lực, nông sản sạch nước ngoài tràn vào với giá hợp lý, khi đó người tiêu dùng Việt sẽ lựa chọn thực phẩm sạch có nguồn gốc từ nước ngoài hay thực phẩm Việt không rõ nguồn gốc và thiếu an toàn? Đó là câu hỏi rất dễ trả lời.
Do đó, các chuyên gia lưu ý, câu chuyện đặt ra bây giờ không chỉ là lo bảo vệ sức khỏe và xây dựng lại niềm tin cho người tiêu dùng, mà còn cần tính đến việc các DN Việt Nam sẽ làm gì để không chậm chân hơn các DN nước ngoài?
Theo các chuyên gia, để DN Việt Nam nắm bắt được cơ hội này thì vấn đề cấp bách đặt ra là phải đảm bảo sản xuất nông sản, thực phẩm và tiêu dùng thực phẩm sạch. Để làm được điều này, ông Tuyển cho rằng, cần phát triển ngành nông nghiệp theo hướng đa chức năng dựa trên lợi thế so sánh.
Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp; tăng cường kiểm tra, chống sản xuất, buôn bán nông sản, thực phẩm bẩn, áp dụng các chế tài đủ mạnh để ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám bổ sung thêm, trên thực tế chúng ta có nhiều mô hình làm thực phẩm sạch hay nhưng sự kết nối còn yếu. Chính vì vậy, thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng còn chưa nhiều. Do đó, Theo ông Tám, việc quan trọng hiện nay để đưa thực phẩm sạch đến với người dân là tăng tính kết nối những sản phẩm an toàn có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước đến người tiêu dùng.
Chia sẻ từ kinh nghiệm thành công của mình, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam cho biết: BigGreen không kinh doanh kiểu “mua đứt bán đoạn” mà chỉ lấy hàng trực tiếp từ các vùng sản xuất do công ty ký hợp đồng liên kết, thông qua các hợp tác xã. Các bên ký hợp đồng trách nhiệm, quy định chặt chẽ về yêu cầu đảm bảo nguồn gốc, chất lượng…
Nếu phát hiện lô hàng nào vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm thì lập tức hủy hợp đồng bao tiêu. Do nông dân được ký hợp đồng bao tiêu giá rất ổn định, luôn cao hơn thị trường nên họ cũng không dại gì vi phạm để rồi tìm đường tiêu thụ bấp bênh.