Hướng tới thị trường sạch
Không thiếu công nghệ mới cho thực phẩm sạch | |
Đưa thực phẩm sạch tới tay người tiêu dùng |
Ảnh minh họa |
Quản lý heo từ trang trại
UBND TP.Hồ Chí Minh vừa phê duyệt đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, và thời điểm bắt đầu khảo sát, vận hành thử nghiệm hệ thống quản lý bắt đầu từ tháng 8/2016 đến tháng 2/2017.
Người tham gia đề án này sẽ được xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư ban đầu như trang thiết bị, chi phí vận hành thử nghiệm trong giai đoạn triển khai thử nghiệm. Người chăn nuôi và cả DN sẽ được kết nối với các tổ chức tín dụng để vay vốn với lãi suất phù hợp phục vụ đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi và chủ DN sẽ được hỗ trợ lãi vay nếu có dự án đầu tư đúng đối tượng trong quy định về thực hiện chương trình kích cầu đầu tư và chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.
Dự kiến ban đầu dự án sẽ triển khai tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bến Thành. Theo đó, quy trình kiểm soát, nhận diện và truy xuất nguồn gốc heo và sản phẩm thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin sẽ thực hiện qua hai giai đoạn.
Giai đoạn 1, các đơn vị vận hành hệ thống quản lý TE-FOOD sử dụng công nghệ thông dụng, dễ hiểu, dễ thao tác và tận dụng các máy móc, hạ tầng sẵn có của các đơn vị cá nhân tham gia.
Cụ thể là các công nghệ mã code QR, vòng nhận diện, điện toán đám mây, tem điện tử, tất cả được kết hợp, điều hành bằng hệ thống công nghệ quản lý giao dịch, nhận dạng của châu Âu - TE -Card (đã hoạt động tại châu Âu trên 10 năm và được ứng dụng tại Việt Nam từ năm 2015).
Giai đoạn 2, cơ quan chức năng sẽ tích hợp thêm công nghệ sử dụng chip điện tử gắn trên tai heo để quản lý toàn bộ thông tin về vòng đời con heo từ khi sinh ra. Sau đó, tại trang trại nuôi, cơ quan chức năng sẽ sử dụng 2 vòng nhận diện có khắc mã số QR code bằng tia laser buộc vào 2 chân sau con heo.
Trang trại nuôi heo kích hoạt 2 vòng này để thông tin về con heo được chuyển vào hệ thống trung tâm và chủ trang trại chịu trách nhiệm các thông tin đó. Vòng nhận diện có giá trị kích hoạt trong vòng 24 đến 48 giờ, không có khả năng sử dụng lại trong trường hợp tháo ra lắp lại. Người chăn nuôi có thể kích hoạt bằng máy tính bảng, Smartphone hay công cụ chuyên dụng. Tất cả các thông tin, dữ liệu được lưu trữ trên điện toán đám mây và đảm bảo việc truy cập nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi
Nhận diện thịt heo sạch ở các chợ
Và như vậy, sản phẩm thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện xuyên suốt theo đường đi từ lúc heo xuất chuồng, đến vận chuyển tới cơ sở giết mổ. Sau khi giết mổ, heo được xẻ thành 2 mảnh, trên mỗi mảnh có 1 vòng nhận diện vẫn còn gắn ở chân.
Trước khi vào chợ, đơn vị quản lý chợ sẽ kiểm tra, nếu thịt có vòng nhận diện hoặc chứng minh được nguồn gốc mới cho vào chợ. Chủ đại lý bán sỉ đọc các vòng nhận diện để nhập hàng khai báo về bản thân, chợ bán sỉ và nhận biết thông tin về mảnh heo thông qua công cụ như máy tính bảng hoặc điện thoại smartphone đã tải ứng dụng phần mềm TE-APP.
Sau khi chặt thịt thành miếng nhỏ, người bán sỉ đọc các vòng nhận diện nhận biết các thông tin về mảnh thịt, sau đó kích hoạt một vòng nhận dạng để nhập và truyền thông tin này. Người bán sỉ dùng vòng nhận dạng để niêm phong thùng thịt heo chuyên dụng để vận chuyển đến chợ lẻ. Thùng chuyên dụng được thiết kế có in logo hoặc thương hiệu chợ đầu mối, đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm, có nắp kín.
Đến chợ lẻ, ban quản lý chợ kiểm tra vòng nhận diện trên thùng trước khi cho vào chợ. Tiểu thương tại chợ nhận thịt, kích hoạt vòng nhận diện để khai báo về sạp hàng cũng như chợ và nhập thông tin vào hệ thống.
Khi bán, tiểu thương sử dụng tem giấy điện tử mua từ Ban Quản lý chợ và dùng điện thoại kích hoạt, dán vào túi đựng thịt bán cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng truy xuất các thông tin về trang trại, địa điểm, thời gian giết mổ, chợ đầu mối, tên chủ sạp và số sạp kinh doanh, chợ bán lẻ, thông tin tiểu thương... từ tem giấy có in mã QR code.
Việc truy xuất này người mua thịt có thể dùng máy tính bảng, điện thoại smartphone có tải ứng dụng TE-APP miễn phí từ trên Internet, máy kiểm tra chuyên dụng tại chợ hoặc tra cứu mã số bằng trang điện tử vvww.Te-food.com.
Hệ thống quản lý TE-FOOD cũng hỗ trợ người tiêu dùng thông qua bản đồ các điểm bán thịt heo đã được kiểm soát theo quy trình để biết và thuận tiện lựa chọn mua sắm.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, TP.Hồ Chí Minh có khoảng 7.500 hộ chăn nuôi heo bao gồm hộ dân, DN và hợp tác xã, cung cấp khoảng 1.000 con heo mỗi ngày, chiếm khoảng 15% sản lượng tiêu thụ của thành phố. Để tăng năng suất và nâng cao chất lượng thịt, đa số DN và hộ nuôi đã nâng cao ý thức, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học... có thể áp dụng để truy xuất nguồn gốc. UBND dự kiến từ tháng 3/2017 sẽ chính thức hoạt động hệ thống quản lý thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin này. |