Không thiếu công nghệ mới cho thực phẩm sạch
Nông sản sạch - đòi hỏi tất yếu | |
Đảm bảo thực phẩm an toàn: Tất cả đều đã sẵn sàng | |
Đưa thực phẩm sạch tới tay người tiêu dùng |
Nhìn không khí chuẩn bị sự kiện chuỗi Techmart 2016 (chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành chế biến, bảo quản thực phẩm) tại TP. Hồ Chí Minh có thể thấy, có rất nhiều tâm huyết của các nhà khoa học, kỹ sư trong nước mong muốn đem lại cho người tiêu dùng một nguồn thực phẩm sạch, chất lượng và an toàn thông qua sản phẩm công nghệ mà họ sáng chế.
Có đến hàng trăm công nghệ và thiết bị sẵn sàng chuyển giao, phù hợp với nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ của DN tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, với kỳ vọng đưa người tiêu dùng thoát khỏi vấn nạn thực phẩm bẩn đang ở đỉnh điểm hiện nay.
Giới thiệu mô hình trồng rau sạch |
Chợ công nghệ (Techmart) được tổ chức hàng năm tại TP. Hồ Chí Minh (từ ngày 26 – 27/5/2016) đã khẳng định, Việt Nam không thiếu trang thiết bị, máy móc, công nghệ mới hỗ trợ nhà nông, DN để có sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến sạch cung cấp cho thị trường.
Ví dụ như các công nghệ phục vụ sản xuất như, chế biến mứt từ các loại quả, sản xuất collagen từ phế phẩm da cá da trơn, sản xuất rượu từ khoai lang tím, sản xuất váng sữa, sữa dừa; Công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch như máy sấy nông sản, từ máy sấy hạt nông sản quy mô từ 0,2 tấn - 30 tấn/mẻ và các máy sấy rau quả quy mô 50 kg -1.000 kg/mẻ; Công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất mứt, ô mai khô.
Những công nghệ này cho ra sản phẩm chất lượng tốt, giá trị dinh dưỡng và năng lượng cao; đồng thời có thể bảo quản lâu dài (12 tháng ở nhiệt độ phòng), đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hay như mô hình sơ chế, bảo quản rau, hoa, quả tươi để sơ chế, bảo quản rau, quả, hoa tươi, giúp nhà nông giảm tổn thất, tăng thu nhập…
Hội chợ cũng giới thiệu hàng loạt công nghệ mới, chế phẩm sinh học dùng bảo quản trái cây, rau quả tươi lâu và an toàn cho người sử dụng, như công nghệ bảo quản lạnh kết hợp với chất hấp thụ etylen R3 để bảo quản vải tươi; chế phẩm phủ màng bán thấm trên bề mặt quả, đảm bảo thời gian bảo quản trái cây tươi (cam, quýt, bưởi) từ 90 - 100 ngày, tổn thất sau thu hoạch dưới 5% nhưng chất lượng trái không thay đổi…
Đối với người dân sống tại khu vực thành thị như TP. Hồ Chí Minh, Techmart cũng giới thiệu và chuyển giao hàng loạt công nghệ trồng rau mầm, rau sạch trong nhà, hoặc bán các thiết bị phát hiện hóa chất trong thịt cá, rau quả hay các chế phẩm khử trùng, làm sạch thực phẩm tươi. Nhiều người vẫn nghĩ, công nghệ mới không tiện áp dụng cho gia đình, hay hộ sản xuất nhỏ, lẻ vì giá cả cao.
Tuy nhiên, Techmart 2016 có nhiều công nghệ được chuyển giao với giá cả vửa phải, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng (ví dụ, công nghệ trồng rau sạch trên sân thượng nhà phố với mức giá từ 3 triệu đồng – 6 triệu đồng/vườn rau 1,5m – 3m2; trồng rau quả như cà chua, dưa lưới, dưa leo… thủy canh từ 7 triệu đồng/vườn 2m2…).
Trước tình trạng thực phẩm thiếu an toàn bủa vây người tiêu dùng như hiện nay, thì sản phẩm công nghệ hướng đến sản xuất chế biến nông sản sạch rất được quan tâm.
Đặc biệt, 30 đơn vị DN tham gia chợ công nghệ, giới thiệu khoảng 100 công nghệ và thiết bị sẵn sàng chuyển giao, đều là các viện nghiên cứu, DN Việt Nam. Sản phẩm giới thiệu phù hợp với nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ của DN, trang trại và hộ sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Đó là một số ứng dụng công nghệ có liên quan trực tiếp đến an toàn thực phẩm hàng ngày của người dân như, phương pháp bằng que thử phát hiện chất tạo nạc trong thịt heo, hay xét nghiệm chất vàng ô ngâm măng tre của Trung tâm Phân tích thí nghiệm TP. Hồ Chí Minh vừa tiện dụng, nhanh chóng, vì chỉ sau 5 phút là đã có thể đọc kết quả với độ chính xác cao.
Không chỉ kiểm tra xem có chất cấm hay không, que thử này còn có thể kiểm soát và cho biết được chất lượng mẫu thử, giúp cơ quan chức năng có thể dễ dàng đánh giá và quản lý.
Tuy nhiên, tại Techmart vẫn thiếu vắng các hộ sản xuất thực phẩm, hộ chăn nuôi trồng trọt nhỏ lẻ, tiểu thương các chợ đầu mối, chợ lẻ. Đây lại chính là số đông người trực tiếp làm ra sản phẩm, thực phẩm và bán đến tay người tiêu dùng. Và đó cũng chính là vấn đề không nhỏ, khiến Việt Nam hiện không thiếu công nghệ, thiết bị để sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, nhưng người dân vẫn phải chịu sống chung với thực phẩm bẩn.