Có nên làm thêm giờ?
Ảnh minh họa |
Trên thực tế, nhiều lao động phổ thông tại các khu công nghiệp lớn tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… cho biết việc tăng ca góp phần giúp họ có thu nhập cao hơn, qua đó thêm kinh phí trang trải cuộc sống. Trong khi đó đại diện các DN cũng nhìn nhận rằng, việc tăng thời gian làm thêm của lao động là phù hợp với tình hình DN hiện nay, theo xu hướng phát triển chung của các nước trong khu vực.
Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012, có hai phương án tăng giờ làm thêm. Phương án 1, số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ.
Tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ trong một năm. Phương án 2, số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ, nhưng không giới hạn số giờ làm thêm trong năm.
Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải nghiên cứu, tính toán cẩn thận. Bởi lẽ thực tế cũng chỉ ra rằng, dù làm thêm giúp tăng thu nhập của người lao động song nó cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Trong đó, đa số ý kiến cho biết làm thêm giờ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và đời sống.
Khi làm việc, nhiều công nhân, người lao động thường phải ngồi hoặc liên tục nhiều giờ dễ dẫn đến sự mệt mỏi, mất sức. Đối với lao động nữ, nếu làm thêm giờ thường không không còn sức lực, thời gian chăm lo cho gia đình, con cái…
Vì thế, bên cạnh những ý kiến đồng tình về hai phương án trên, nhiều ý kiến phản biện cũng được đưa ra. Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), việc tăng giờ làm thêm phải xem xét tới nhiều yếu tố, tránh để DN lợi dụng vắt kiệt sức người lao động. Đặc biệt làm thêm giờ liên tục trong môi trường làm việc chưa bảo đảm dễ dẫn đến tai nạn lao động, nhất là với những lao động trực tiếp, làm việc ngoài trời...