Có nên thành lập cơ quan để đại diện của chủ sở hữu nhà nước?
Theo đó, Điều 7 dự thảo Luật quy định về đại diện của chủ sở hữu nhà nước là vấn đề được nhiều Đại biểu Quốc hội, chuyên gia, các nhà quản lý quan tâm.
Ảnh minh họa
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, nhiều ý kiến cho rằng việc nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại DN sẽ tạo được đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý DN có vốn đầu tư nhà nước.
“Tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu DN, bảo đảm công khai minh bạch trong đánh giá việc sử dụng vốn nhà nước của DN. Tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN” – đại biểu Vẻ nói.
Ông Vẻ cho biết: “Tôi đồng tình với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc luật không quy định chính về việc phải thành lập một cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, bởi đó là vấn đề rất quan trọng cần có sự chuẩn bị chu đáo”.
Tuy nhiên, ông Vẻ đề nghị bổ sung vào Điều 7 hai khoản với nội dung: Cơ quan chủ sở hữu không nhất thiết trực tiếp tham mưu, soạn thảo chính sách, không trực tiếp tham gia điều soát, điều tiết thị trường và thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác. Các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp và áp đặt mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh, đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của DN theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) lại cho rằng, đây là một vấn đề cần phải được cân nhắc xem xét tại dự án luật này để Quốc hội xem xét thông qua.
“Tôi đề nghị cần cân nhắc để quy định ngay trong luật việc thành lập một cơ quan chuyên trách ngang bộ làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN. Bởi lẽ, thực hiện phương án này sẽ tạo được sự đột phá thay đổi cơ bản trong việc quản lý DNNN, tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu DN” – ông Vở nói.
Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có điều kiện để tập trung hơn vào việc xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược cho các DN hoạt động. Thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của DN, tăng cường trách nhiệm cá nhân, tổ chức đối với việc quản lý vốn nhà nước tại DN.
“Tôi cho rằng đây là thời điểm đã chín muồi, là đòi hỏi khách quan từ thực tiễn đang đặt ra nhằm khắc phục những lỗ hổng trong quản lý và khắc phục tình trạng không rõ địa chỉ trách nhiệm để xử lý vi phạm như những đổ vỡ, mất mát nghiêm trọng về vốn, tài sản nhà nước ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước gây mất lòng tin trong nhân dân đối với DNNN đã diễn ra trong thời gian qua” – đại biểu Trương Văn Vở chia sẻ.
Đức Nghiêm