Cổ phần hóa DNNN ì ạch do vướng thủ tục đất đai
Nhận diện “khoảng tối” cổ phần hoá DNNN | |
TP. Hồ Chí Minh xin lùi kế hoạch cổ phần hóa DNNN | |
Phải đề cao chất lượng cổ phần hóa là Nhà nước có lợi nhiều nhất |
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM đề xuất UBND thành phố xử lý các vấn đề liên quan đến thủ tục về đất đai để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN.
Phương án sử dụng đất của các DN cổ phần hóa chưa được phê duyệt nên quá trình cổ phần hóa bị ách tắc |
Theo đó, Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố rà soát diện tích đất của các DNNN, hoàn thành việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý chặt chẽ, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của DN sau cổ phần hóa, bảo đảm tuân thủ phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa DN. Cùng với đó, khẩn trương tham mưu UBND thành phố phê duyệt phương án sử dụng đất của các DN thực hiện cổ phần hóa theo đúng quy định.
Báo cáo UBND TP.HCM về vấn đề này, ông Lê Trọng Sang - Trưởng Ban Đổi mới quản lý DN TP.HCM cho biết, thành phố vẫn còn có 39/45 DN cổ phần hóa chậm tiến độ. Theo lộ trình quy định, số DN này đã hoàn thành cổ phần hóa từ cuối năm 2018 nhưng theo tình hình thực tế, khả năng hết 2020 vẫn chưa hoàn thành được. Nhiều nguyên nhân chậm được Trưởng Ban Đổi mới quản lý DN chỉ ra, trong đó vướng mắc lớn nhất là quy định về phương án sử dụng đất trước khi quyết định cổ phần hóa. Vì phương án sử dụng đất của các DN cổ phần hóa chưa được phê duyệt nên quá trình cổ phần hóa bị ách tắc, DN phải làm lại hàng loạt thủ tục giấy tờ.
"Sở Tài nguyên - Môi trường TP. HCM đã có kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn; Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải có thông tư hướng dẫn trình tự thủ tục phê duyệt phương án cổ phần hóa đối với DN nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn này. Vì vậy, dù các sở, ngành TP.HCM rất tích cực nhưng vẫn không thể đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa theo đúng lộ trình", ông Sang báo cáo và kiến nghị thường trực UBND thành phố có chỉ đạo các sở, ngành liên quan trước mắt có phê duyệt phương án sử dụng đất để DN thực hiện các bước tiếp theo trong cổ phần hóa.
Trong khi đó, Ban Đổi mới quản lý DN cho biết thêm, ngoài 39 DN phải cổ phần hóa, TP. HCM còn 15 công ty con trực thuộc DNNN cần phải cổ phần hóa. Theo kế hoạch, 9 DN trong số này phải cổ phần hóa. "Như vậy, TP. HCM có tổng cộng 48 DN phải cổ phần hóa trong giai đoạn năm 2019-2020, quỹ thời gian không nhiều nên thường trực ủy ban cần có chỉ đạo giải pháp", ông Sang kiến nghị.
Trả lời về việc này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm khẳng định, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường làm đầu mối tiếp nhận phương án sử dụng đất để cổ phần hoá. DN cổ phần hoá phải báo cáo phương án sử dụng đất cho Sở Tài nguyên - Môi trường, trên cơ sở đó sở trình UBND thành phố phê duyệt. "Thủ tục này cần tiến hành khẩn trương nhưng phải thận trọng vì dễ xảy ra nhiều hệ lụy liên quan đến quản lý đất đai", ông Liêm nhấn mạnh.
Trước đó, UBND TP. HCM đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện; các tổng công ty, công ty 100% vốn nhà nước thuộc UBND thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội Khóa XIV về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN.
Theo đó, UBND thành phố giao Sở Tài chính TP. HCM (Chi cục Tài chính DN), UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại DN; tổng hợp các khó khăn vướng mắc của DN báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định. Cùng với đó, thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của DNNN, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ra nước ngoài.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố được giao chủ trì phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu trình UBND thành phố biện pháp xử lý dứt điểm các DN vi phạm pháp luật về đầu tư, để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, đánh giá các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quản lý theo các nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư; đề ra biện pháp xử lý các vướng mắc trong việc triển khai dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư các dự án.
Ngoài ra, UBND thành phố giao Thanh tra thành phố tăng cường công tác thanh tra để kịp thời phát hiện vi phạm, tham mưu trình UBND thành phố có biện pháp xử lý, khắc phục; theo dõi, giám sát việc thực hiện các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán đối với các DNNN thuộc thành phố theo quy định và thẩm quyền.