Cổ phần hóa, thoái vốn: Những mục tiêu chưa đạt được
Thoái vốn 1% là "động tác giả"
Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố báo cáo mang tựa đề "Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại DNNN: Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2020 và đề xuất phương hướng giải pháp cho giai đoạn 2021-2030".
Báo cáo cho biết tốc độ cổ phần hóa và thoái vốn đang rất chậm, liên tục không đạt mục tiêu của năm, nhưng sẽ đạt mục tiêu vào năm 2020.
Cũng theo nghiên cứu của CIEM, kế hoạch thu ngân sách từ cổ phần hóa và thoái vốn cũng có thể hoàn thành được. Tính đến tháng 6/2019, tổng cộng đã nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trên 177.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn. Quỹ này đã chuyển 185.000 tỷ đồng về ngân sách nhà nước, đạt 74% kế hoạch giao.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra nhiều mục tiêu khác lại không thể đạt được.
Hội thảo "Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại DNNN: Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2020 và đề xuất phương hướng giải pháp cho giai đoạn 2021-2030" do CIEM và Aus4Reform tổ chức |
CIEM ước tính Việt Nam sẽ đạt mục tiêu chuyển DNNN thành doanh nghiệp đa sở hữu thông qua việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, vì có những doanh nghiệp chỉ cần bán 1% vốn, Nhà nước vẫn giữ tới 99,9% vốn.
Bình luận về vấn đề này, PGS-TS. Trần Đình Thiên nói: Đó là động tác giả.
"Khái niệm cổ phần hóa mong manh đến mức doanh nghiệp chỉ bán 1% cổ phần, cũng được coi là cổ phần hóa xong. Khái niệm cổ phần hóa chả liên quan đến chuyển đổi nguồn lực, thay đổi cấu trúc sở hữu doanh nghiệp và quản trị. Vì thế, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa thì nhiều nhưng thực tế chuyển đổi sở hữu chỉ 5- 7%”, ông Thiên chỉ ra bất cập.
Nghiên cứu của CIEM và Aus4Reform đánh giá kết quả 10 năm với 3 nội dung: Cơ cấu lại DNNN thông qua việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đối với DNNN và nâng cao năng lực quản trị DNNN đáp ứng chuẩn mực quốc tế; Cơ cấu lại DNNN thông qua sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; Cơ cấu lại DNNN thông qua các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN. |
Với những biểu hiện như trên, theo CIEM, đến năm 2020 cũng khó đạt mục tiêu thu hút đầu tư xã hội, vì tỷ lệ vốn nhà nước bán ra chưa nhiều, ngay cả ở một số doanh nghiệp nhà nước không cần giữ cổ phần, không cần giữ cổ phần chi phối nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước vẫn cao.
Nhiều doang nghiệp không bán được hết lượng cổ phần cần bán. Thậm chí, có doanh nghiệp không bán được cổ phần cho bên ngoài dẫn tới việc cổ đông nhà nước và người lao động phải nắm giữ toàn bộ cổ phần.
"Như thế thì chưa thể rút được vốn Nhà nước ra khỏi doanh nghiệp đề mang vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của kinh tế nhà nước, của DNNN tức là chưa thể đạt được mục tiêu của tái cơ cấu DNNN là để DNNN có cơ cấu hợp lý hơn", ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp của CIEM phát biểu.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Trần Đình Thiên cho rằng sau 10 năm tái cơ cấu DNNN vẫn không có được thay đổi cơ bản. Chỉ bán 1% cũng là cổ phần hóa, tức chủ sở hữu không thay đổi, cũng không thay đổi gì về phân bổ nguồn lực... Cổ phần hóa như thế này không bảo đảm cho doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn, không đảm bảo cho kinh tế phát triển được.
Phân tích sâu hơn, CIEM cho rằng mục tiêu về chất lượng cổ phần hóa là chưa đạt khi nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa không hút được đầu tư tư nhân, không có cổ đông chiến lược, vốn nhà nước vẫn duy trì ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực. Như thế, không thể thay đổi cơ cấu doanh nghiệp.
"Có doanh nghiệp sau cổ phần hóa Nhà nước vẫn giữ 99% cổ phần, như thế chưa đạt mục tiêu tái cơ cấu sở hữu để nâng cao chất lượng quản trị, tăng sức mạnh tài chính, tiếp cận thị trường và công nghệ mới“, ông Trung góp thêm ý kiến.
Chuyển khái niệm cổ phần hóa sang tư nhân hóa
Ông Trần Đình Thiên kiến nghị: ”Chúng ta nên chuyển khái niệm cổ phần hóa sang khái niệm tư nhân hóa. Chỉ khi nào khái niệm tư nhân hóa được áp dụng thì quá trình đó (cơ cấu lại DNNN, thu hút đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp... - PV) may ra mới thực hiện được. Đồng thời, khi đặt mục tiêu thì mục tiêu phải phản ánh tính thị trường rõ ràng hơn và nếu không đạt được thì thế nào, ai chịu trách nhiệm?”
Về phương hướng cho giai đoạn tiếp theo, nghiên cứu của CIEM đề xuất DNNN chỉ tập trung vào 4 nhóm ngành và lĩnh vực. Về giải pháp, thì cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đa dạng hóa các phương thức thoái vốn theo nguyên tắc thị trường; mở rộng phạm vi đấu giá, bán cổ phần theo lô trên sàn niêm yết.
Đồng thời, phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thực thi nghiêm ngặt kỷ luật hành chính và nghiêm túc xử lý các hành vi vi phạm làm chậm tiến độ cổ phần hóa.
Còn TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng ”Cải cách gì thì cải cách, nhưng cải cách đầu tiên đối với DNNN là buộc DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường”.
Cũng cùng quan điểm, nguyên Viện trưởng CIEM, TS. Lê Xuân Bá nhấn mạnh chỉ cần một giải pháp, đó là: Phải buộc tất cả các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường.
Chỉ nên giữ lại hình thức doanh nghiệp mà Nhà nước giữ 100% vốn đối với 13 nhà xuất bản, Nhà máy In tiền quốc gia, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán. (CIEM và Aus4Reform) |