Cổ phần hóa vào chặng nước rút
Số lượng DNNN phải tiến hành CPH trong năm 2017 là 44 DN (theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 về việc phê duyệt danh mục DNNN hoàn thành CPH - hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu).
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN hôm 30/11/2017, Ban chỉ đạo cho biết nếu tính cả các DN thuộc Bộ Quốc phòng, các đơn vị sự nghiệp thì tính đến hết tháng 11 này, cả nước đã CPH 43 DNNN. Dự kiến cả năm nay, cả nước sẽ hoàn thành CPH 55 DNNN, bằng số DN CPH năm 2016.
Việc triển khai CPH trong 11 tháng đầu năm 2017 chưa đạt được kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt |
Theo quy trình CPH hiện nay gồm các bước, xác định giá trị DN, công bố giá trị DN, phê duyệt phương án CPH, sau khi phương án được phê duyệt sẽ tiến hành bán cổ phần lần đầu (IPO), sau đó DN mới chính thức đăng ký kinh doanh chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Theo cách thống kê số lượng DN đã CPH của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) là “đếm các DN đã CPH” theo con số DN đã được phê duyệt phương án CPH”, thì từ đầu năm đến hết tháng 11/2017, có 39 DNNN đã được phê duyệt phương án CPH. Trong đó bao gồm cả các DN quốc phòng và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tổng giá trị thực tế của 39 DN là 81.084 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 20.941 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ là 25.959 tỷ đồng. Trong 39 DN này, có 9 DN đã thực hiện bán cổ phần lần đầu.
Như vậy, thoạt nhìn với con số 43 DNNN đã CPH tính đến hết tháng 11 và khả năng 55 DNNN hoàn thành CPH trong năm 2017 như báo cáo của Ban chỉ đạo thì thấy “vượt chỉ tiêu” so với con số 44 đặt ra cho năm nay. Nhưng đọc kỹ số liệu tổng hợp của Cục Tài chính DN thì thấy năm 2017 “không làm nổi một nửa nhiệm vụ”. Bởi trong số 39 DN đã CPH này, chỉ có hơn 10 DN trong số 44 DN theo công văn 991 đã CPH. Hơn 20 DN là những DN trong danh sách CPH từ giai đoạn trước. “Chỉ còn 20 ngày nữa là hết năm, có lạc quan lắm, có dốc sức lắm thì cũng chỉ làm xong được bốn năm DN nữa”, một công chức theo dõi CPH rất lâu năm cho biết.
“Đọc vị” nguyên nhân chậm trễ
“Việc triển khai CPH trong 11 tháng đầu năm 2017 còn chậm, chưa đạt được kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN, và chưa đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội giao Chính phủ về sử dụng nguồn thu từ CPH, thoái vốn chuyển về NSNN, làm ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại DNNN nói chung”, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) nhận xét.
Lý giải cho việc chậm trễ này, một vài DN cho rằng, đến tháng 7/2017 khi có công văn 991 DN mới biết là nằm trong diện phải tiến hành CPH trong năm 2017. Số khác thì cho biết, quá trình CPH có nhiều vướng mắc, DN đã kiến nghị nhiều giải pháp, nhưng mãi đến tháng 11/2017, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 59/NĐ-CP gỡ vướng cho CPH. Và nghị định này có hiệu lực từ 1/1/2018.
Bên cạnh đó, đối tượng CPH, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị DN. Vì thế các bước công việc đều phải làm thận trọng để tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Và nguyên nhân khách quan quan trọng khác nữa là do những tháng đầu năm thị trường trầm lắng, bất lợi cho việc bán cổ phần nhà nước. Thị trường chứng khoán đã hồi phục song vẫn chưa thực sự thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần DNNN khi thực hiện CPH.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, nguyên nhân gây ra chậm trễ CPH là do tâm lý đầu năm đủng đỉnh cuối năm lo chi phối việc thực hiện, dù Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, các Bộ trưởng cũng tích cực thực hiện nhưng “trên nóng – dưới đủng đỉnh”. Một số lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác CPH, thoái vốn. Hơn nữa, mặc dù chưa biết DN nào sẽ có trong danh sách phải hoàn thành trong năm 2017, tuy nhiên ngay từ tháng 2/2017 Thủ tướng đã ra Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 2/2/2017 về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020. Do đó, DN nào nằm trong diện CPH đều đã được chỉ rõ, vì vậy, nếu lãnh đạo DN tích cực thì vẫn có thể làm các công việc như xác định giá trị DN, xử lý các vấn đề về đất đai, tài chính của DN trước.
Và trên thực tế, trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng cũng liên tục nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chủ động quyết liệt, đẩy nhanh việc CPH, bảo đảm tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN. Và yêu cầu Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình CPH DNNN, đẩy nhanh tiến độ CPH và thoái vốn Nhà nước bảo đảm minh bạch và theo cơ chế thị trường. Thực hiện nghiêm kế hoạch, lộ trình CPH, thoái vốn Nhà nước.
Theo ông Tiến “khi chưa thúc ép không ai muốn làm”. Vì vậy, để thúc đẩy tốc độ CPH, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo ban hành quy chế phối hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ, đảm bảo một đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình CPH, thoái vốn và tái cơ cấu DNNN. Đồng thời cho phép nêu tên phê bình các bộ, ngành và DNNN không thực hiện báo cáo theo quy định.