Cổ phần hóa PV Oil: Nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 44,72% vốn điều lệ
Phê duyệt phương án CPH Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam | |
Phê duyệt phương án CPH Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội | |
CPH: Thành tích thật mà không thật |
Theo đó, hình thức cổ phần hóa là bán bớt một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ảnh minh họa |
Quyết định nêu rõ, vốn điều lệ của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 10.342.295.000.000 đồng. Trong đó, cổ phần PVN nắm giữ là 363.014.555 cổ phần, chiếm 35,1% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1.864.300 cổ phần, chiếm 0,18% vốn điều lệ. Cổ phần bán đấu giá công khai là 206.845.900 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 462.504.745 cổ phần, chiếm 44,72% vốn điều lệ. Mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại PV Oil với tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ.
Quyết định cũng nêu rõ về bán cổ phần ra công chúng. Theo đó, giá khởi điểm là 13.400 đồng/cổ phần, được bán theo phương thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo tiêu chí lựa chọn về năng lực tài chính: Chứng minh đủ nguồn tài chính để mua cổ phần theo tỷ lệ trong phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt; có nguồn vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất tối thiểu 2.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp trong nước hoặc tương đương 2.000 tỷ đồng theo tỷ giá quy đổi tại ngày đăng ký tham gia nhà đầu tư chiến lược đối với doanh nghiệp nước ngoài. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (đã được kiểm toán) 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi, không có lỗ lũy kế.
Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản của Hội đồng quản trị hoặc người đại diện theo pháp luật hoặc người có thẩm quyền về việc tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu Tổng công ty Dầu Việt Nam trong thời gian ít nhất là 10 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược; không chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời gian tối thiểu 10 năm kể từ ngày Tổng công ty Dầu Việt Nam – Công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp…
Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 790 người. Số lao động chuyển sang công ty cổ phần là 770 người.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương theo dõi, giám sát quá trình thực hiện công tác cổ phần hóa tại doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Tổng công ty Dầu Việt Nam là đơn vị thành viên của PVN, được thành lập ngày 06/06/2008 trên cơ sở hợp nhất Tổng công ty Thương mại dầu khí (Petechim), Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu (PDC). Đến thời điểm hiện tại, PV Oil có 31 công ty con sở hữu trên 50% vốn, 11 công ty liên kết, 7 chi nhánh trực thuộc và lực lượng lao động gần 6.000 người.
Hoạt động kinh doanh của PV Oil tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm dịch vụ uỷ thác xuất/bán dầu thô và kinh doanh dầu quốc tế; kinh doanh phân phối các sản phẩm dầu và sản xuất, chế biến xăng dầu, dầu mỡ nhờn, nhiên liệu sinh học. Trong đó lĩnh vực kinh doanh phân phối sản phẩm dầu chiếm tỷ trọng 75%, kinh doanh quốc tế chiếm tỷ trọng 20% trên tổng doanh thu của PV Oil.
Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2016, doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt gần 40 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 623 tỷ đồng. Doanh thu Công ty mẹ đạt 24 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 526 tỷ đồng.