Cổ phiếu thủy sản cần chờ thêm tín hiệu mới
Cổ phiếu thuỷ sản và kỳ vọng hội nhập | |
Cổ phiếu thủy sản hưởng lợi | |
Sáng 2/10: Cổ phiếu thủy sản tăng mạnh, 2 sàn trái chiều |
Sau Tết cổ truyền, thị trường chứng khoán có sự hồi phục tích cực cả về thanh khoản và điểm số. Hầu hết các cổ phiếu trong chỉ số VN-30 tăng điểm. Nguyên nhân do kết quả kinh doanh quý I của nhiều ngành dự kiến công bố sẽ khả quan với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2016.
Trong một diễn biến khác, một số quốc gia đang tính toán lại việc nhập khẩu tôm cũng như một số mặt hàng hải sản của Việt Nam sang nước họ. Thông tin này phần nào ảnh hưởng tiêu cực lên các cổ phiếu ngành thủy sản ở thời điểm hiện tại.
DN chế biến tôm xuất khẩu đầu năm đối mặt với những khó khăn dự báo tác động từ bên ngoài |
Thực tế, xét về thanh khoản, tổng giá trị khớp lệnh của các nhóm cổ phiếu ngành thủy sản lúc này chưa giảm nhanh. Mặc dù vậy, giới phân tích nhận thấy mức thanh khoản này sẽ khó có thể duy trì nếu tình hình kinh doanh của ngành không có nhiều chuyển biến. Ngoài ra, liên tiếp NĐT trong và ngoài nước đã bắt đầu có những dấu hiệu bán ròng với giá trị lớn ở các mã như: HVG (Thủy sản Hùng Vương), VHC (Vĩnh Hoàn Corp ), MPC (Minh Phú Seafood Corp)…
Do đó, các nhà phân tích không ngại ngần đưa ra lời khuyên cho NĐT là nên thận trọng trong quyết định giải ngân và chờ đợi xu hướng phục hồi rõ nét hơn. Bởi các phân tích kỹ thuật cho thấy, tín hiệu mua đồng loạt vẫn chưa xuất hiện trên nhóm thủy sản. Việc đầu tư vào nhóm ngành này vẫn cần phải chọn lọc và thận trọng.
Quả vậy, theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các chuyên gia trong ngành, chưa kể sự kiện Australia tăng cường kiểm tra về độc tố sinh học và vi sinh thì năm 2017 đã có ít nhất 7 thách thức hiện hữu cản trở sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam.
Trong đó, rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu luôn là vấn đề nhức nhối mà các DN trong nước phải đối mặt. Hiện tại, trong tự do hóa thương mại, thủy sản Việt Nam sẽ có lợi về thuế quan, nhưng sẽ là đối tượng để các thị trường áp dụng các rào cản phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành sản xuất nội địa hoặc hạn chế nhập khẩu.
Những rào cản như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh, bảo vệ nguồn lợi IUU hay chương trình thanh tra riêng biệt (ví dụ, chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ...) đang và sẽ được tăng cường áp dụng. Ngoài ra, những vấn đề còn tồn đọng như: Giá thành sản xuất nguyên liệu của Việt Nam còn cao; thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các DN ngành này.
Một điểm đáng lưu ý nữa mà các DN niêm yết ngành thủy sản cũng phải tính toán ở năm 2017, là phải chịu cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước đối thủ gồm Trung Quốc, Ấn độ, Thái Lan, Indonesia…
Thừa nhận điều này, một lãnh đạo của HVG chia sẻ, sản phẩm từ các nước này ngày càng gia tăng các sức ép cạnh tranh nhiều hơn trong cả trung hạn và ngắn hạn, về cả sản lượng, chất lượng, giá thành sản xuất, marketing và xúc tiến thương mại. Sự cạnh tranh này thúc đẩy cho phát triển, nhưng cũng đang và sẽ khiến DN thủy sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn để giữ và gia tăng thị phần.
Có lẽ, chính những diễn biến hiện tại đã kéo giá trị cổ phiếu của ngành thủy sản đi ngược với xu thế tích cực của một năm mới. Tuy nhiên, một số chuyên gia tài chính có kinh nghiệm cho rằng NĐT không nên thất vọng sớm, vì ngành này vẫn được chọn là ngành xuất khẩu chủ lực.
Theo đó, Chính phủ sẽ có những quyết sách hỗ trợ để DN cải thiện năng lực cạnh tranh. Đồng thời, NĐT có thể nhận thấy bản thân các DN của ngành luôn có sự nỗ lực đáng kể trong việc chọn nhiều hướng đi khác nhau để đối mặt với nhiều biến động từ thị trường nước ngoài.
Kết quả, năm 2016, dù tình hình khó khăn song các DN ngành này đã tạo được nhiều dấu ấn, thông qua việc mua bán, sáp nhập (M&A) không chỉ đối với các DN nội địa, mà còn mở rộng với khối DN đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cụ thể, suốt nhiều năm HVG liên tục mua lại hàng loạt DN cùng lĩnh vực (sản xuất, xuất khẩu cá tra, tôm) và ngoài ngành (thức ăn chăn nuôi, bất động sản, bóng đá...), như Việt Thắng, An Giang, Thực phẩm Sao Ta, Lâm thủy sản Bến Tre, CTCP Thức ăn chăn nuôi, CTCP Bóng đá Hùng Vương, CTCP Địa ốc An Lạc… Những điều này cùng với việc xây dựng thêm nhiều nhà máy cũng như mở rộng vùng nuôi thuỷ sản đã giúp cho HVG trở thành một "gã khổng lồ" của ngành thủy sản.
Trong thời gian qua, VHC cũng thể hiện sự lớn mạnh khi liên tiếp đầu tư vào các nhà máy sản xuất gạo sau đó bán đi, thu về số tiền lớn để tập trung đầu tư nhà máy sản xuất collagen từ phụ phẩm cá tra và nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản. Kết quả sau nhiều lần đầu tư mua rồi bán nhà máy, giờ đây, VHC được giới phân tích đánh giá là công ty có chiến lược khá hoàn hảo khi luôn giữ được thế mạnh chính là chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, cộng với tập trung đầu tư dự án collagen…