Còn nhiều khoảng trống và thách thức trong khai thác kinh tế từ rừng tự nhiên
"Cần có sự chuyển đổi lớn để xây dựng một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để phát triển và hưởng lợi từ việc đầu tư vào phát triển rừng tự nhiên bền vững", ông Kalmal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về phát triển các cơ hội cho quản lý rừng bền vững.
Việt Nam đã cố gắng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng cao độ che phủ rừng. Vì vậy, độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng và đạt 41,19% (năm 2016).
Rừng trên bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng |
Rừng tự nhiên cung cấp các sản phẩm phi gỗ có giá trị và cung cấp nhiều dịch vụ có giá trị cho các ngành then chốt bao gồm bảo vệ đất và nguồn nước cho nông nghiệp, sản xuất điện và giảm nhẹ biến đổi khí hậu bằng cách thu giữ CO2. Rừng cũng giúp gia tăng khả năng phục hồi của cộng đồng nông thôn dễ bị tổn thương trước những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Độ che phủ của rừng ở Việt Nam vào năm 2016 là 41% và 71% là rừng tự nhiên. Nhưng do nhu cầu phát triển kinh tế cùng những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mà vẫn còn nhiều diện tích rừng tự nhiên giàu trữ lượng bị khai thác thiếu bền vững hoặc chuyển đổi sang mục đích khác. Những điều này làm cho chất lượng rừng tự nhiên bị suy giảm, diện tích rừng tự nhiên bị mất đi. Vì thế tuy 71% diện tích rừng là rừng tự nhiên nhưng rừng giàu còn lại rất ít, phần lớn là rừng nghèo và rừng mới phục hồi.
Nói về tiềm năng kinh tế của rừng tự nhiên, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Rừng tự nhiên cũng cung cấp các lâm sản ngoài gỗ có giá trị. Trong năm 2010, ngành công nghiệp tre nứa ở Việt Nam đã tạo việc làm cho 400.000 người lao động với tổng doanh thu khoảng 250 triệu USD hàng năm từ măng, các chuỗi xử lý công nghiệp và cung ứng sản phẩm thủ công.
Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đạt 20 tỷ USD mỗi năm và tiếp tục tăng, các nghiên cứu cho thấy Việt Nam có thể tăng gấp ba số việc làm và thu nhập từ ngành công nghiệp này. Ngành dược liệu thậm chí còn quan trọng hơn, với doanh thu nội địa khoảng 1,5 tỷ USD, Việt Nam vẫn nhập khẩu 1,7 tỷ USD dược liệu mỗi năm mặc dù có đủ tiềm năng hoàn toàn tự cung tự cấp và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới xuất khẩu mặt hàng này.
Thế nhưng đóng góp của ngành lâm nghiệp vào GDP của quốc gia là rất khiêm tốn, khoảng 1%. Khai thác rừng tự nhiên bền vững và được cấp phép có thể mang lại cơ hội kinh tế và tạo động lực phục hồi và làm giàu rừng ở Việt Nam. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để thúc đẩy và triển khai trên phạm vi toàn quốc các mô hình khai thác rừng tự nhiên bền vững.
Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc thúc đẩy và thu hút đầu tư trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận và bền vững dựa trên các sản phẩm và dịch vụ từ rừng tự nhiên, trong đó, làm rõ và đảm bảo các cách thức doanh nghiệp có thể thu được lợi ích nhờ quản lý bền vững rừng tự nhiên.
“Việc xây dựng các mô hình kinh tế, mô hình kinh doanh bền vững và tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế trong phát triển rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên còn thiếu hệ thống, kém hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư”, theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương.
Các chuyên gia của UN –REDD cho rằng hiện còn nhiều khoảng trống và thách thức trong khai thác kinh tế từ rừng tự nhiên. UN-REDD khuyến nghị Chính phủ Việt Nam và Tổng cục Lâm nghiệp cần có các chính sách, cải thiện cơ chế chia sẻ lợi ích nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình kinh tế dựa vào rừng tự nhiên.
Diễn đàn cũng đã đưa ra các khuyến nghị như phát triển thị trường và hợp tác cho các mô hình kinh tế dựa vào rừng tự nhiên, rừng tự nhiên có thể giao hoặc khoán lại cho một số dịch vụ du lịch sinh thái hoặc thực nghiệm một số mô hình ngoài gỗ… Đã có nhiều mô hình thành công xong việc chuyển đổi rừng gần đây sang các dự án nuôi bò và du lịch tại Phú Yên cho thấy nhu cầu cấp thiết phải cải thiện không chỉ công tác thực thi pháp luật, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình mà còn thay đổi các điều kiện kinh tế để cân nhắc đánh đổi giữa các mô hình kinh doanh bền vững và không bền vững.
“Bảo vệ và phát triển rừng là giải pháp quan trọng hàng đầu mà Việt Nam cần phải thực hiện và có thể thực hiện được để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững”, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế trung ương nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng cùng với quan tâm chính trị, cần phải có sự nhận thức và tham gia tích cực của cộng đồng và các doanh nghiệp.
Một vấn đề quan trọng được bàn đến là làm sao huy động được vốn xã hội đầu tư vào rừng, huy động nguồn lực tài chính và phải quy định các quy định về thu/chi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình kinh tế dựa trên rừng tự nhiên. Các khuyến nghị khác như cải thiện các chính sách, tăng cường hệ thống giám sát và đánh giá ở cấp địa phương, quốc gia về các mô hình kinh tế và lâm sản.
Diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương và Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 7/8/2017 cùng với sự hỗ trợ của Chương trình UN-REDD và các đối tác khác. Tham dự diễn đàn còn có các chủ rừng, đại diện các bộ, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, các tổ chức quốc tế.
“Liên Hợp Quốc sẽ vẫn là một đối tác chiến lược và cam kết quan trọng của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý rừng bền vững thông qua hợp tác với khu vực kinh doanh trong nước và quốc tế để đạt được những lợi ích chung”, ông Malhotra nói.