Công nghiệp ô tô cần nhà sản xuất lớn
Công nghiệp phụ trợ yếu về năng lực. “Ông lớn” ô tô ngoại vào đầu tư thiếu dự án chiều sâu và cam kết phát triển lâu dài. Nó cho thấy Việt Nam đang thiếu khả năng tự chủ trong thực hiện chiến lược?
Trong thời thế giới hội nhập, chúng ta không thể một mình xây dựng ngành công nghiệp ô tô. Cũng không thể một mình xây được một thương hiệu ô tô nào đấy để phát triển trong một giai đoạn ngắn từ nay đến 2035. Muốn tự sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam phải hợp tác với các nhà sản xuất lớn.
Với VEAM, chúng tôi có cả các đơn vị liên doanh sản xuất xe tải, xe con, xe chở người và đã bắt đầu từng bước tự chủ. Các nhà máy sản xuất ô tô tải đã tự thiết kế và phát triển mẫu xe. Chúng tôi cũng đang đầu tư vào một số lĩnh vực công nghiệp phụ trợ để cơ bản hình thành một chuỗi sản xuất ô tô hoàn chỉnh, từ thân vỏ, ca bin, các chi tiết bánh răng, trục và sau này sẽ là hộp số, đầu xe tiến tới sản xuất động cơ.
Ảnh minh họa
Từ thực tế DN như vậy, chiến lược phát triển ô tô nên như thế nào?
Chúng ta phải cân nhắc ưu tiên phát triển một số dòng xe với dung lượng thị trường đủ mạnh để có thể đẩy mạnh sản lượng, tạo ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh và tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ đi kèm. Đồng thời, cũng phải xem xét đến các dòng xe chiến lược của các nước trong khối ASEAN đã triển khai trước để tránh sự trùng lặp, phát huy lợi thế so sánh và thu hút đầu tư.
Với các lĩnh vực tiêu thụ, đồng bộ cả sản xuất và tiêu thụ, phải đẩy mạnh tiêu thụ trước mắt tại thị trường nội địa. Với dân số 90 triệu dân và tỷ lệ sử dụng rất thấp thì đây là tiềm năng, sau đó mới tính đến tiêu thụ xuất khẩu. Và xuất khẩu là thị trường động lực để trong thời gian ngắn tăng năng suất.
Vậy chính sách nào để có thể tạo ra đột phá chiến lược?
Để tạo ra bước tiến mạnh mẽ và lâu dài cho ngành công nghiệp ô tô, nên có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp nhất quán, đủ ổn định trong cả hai lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ ô tô, tạo môi trường thuận lợi cho cả hai lĩnh vực này. Trước hết phải nâng cao năng lực sản xuất ô tô, vì ngành này kéo theo công nghiệp phụ trợ. Trên quan điểm, phải thu hút các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới tham gia với những cam kết và lộ trình cụ thể để tận dụng được nguồn lực, học hỏi được kỹ thuật công nghệ và kỹ năng quản lý của họ.
Hiện nay, hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam. Đây là điểm thuận lợi để chúng ta có thể đối thoại, trao đổi với họ để xây dựng chương trình dự án lớn, có đầu tư lâu dài cho sự phát triển công nghiệp ô tô và tạo cơ hội cho các DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Có như vậy mới tạo nên đột phá cho ngành của họ để phát triển cả về chất lượng và số lượng.
Chúng ta đã đưa ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ vào các danh mục ưu tiên để được hưởng chính sách ưu đãi, nhưng cũng cần mạnh dạn đưa được chính sách đủ hấp dẫn để thu thút các NĐT xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư hiện nay từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, vốn là các cường quốc sản xuất ô tô. Đây chính là nguồn động lực đột phá để phát triển ngành ô tô.
Xin cảm ơn ông!
Long Nguyên thực hiện