Công nghiệp phụ trợ: Khó vào chuỗi cung ứng
Đừng để doanh nghiệp tự bơi | |
Công nghiệp phụ trợ đang ở đâu? |
CNPT chưa đồng bộ nên hầu hết các DN phải tự xoay xở |
Ông Kiều Huỳnh Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất máy và sản phẩm Thép Việt (VietSteel) cho rằng, mặc dù CNPT là “chìa khóa” thúc đẩy nền công nghiệp đất nước phát triển, nhưng lĩnh vực này hiện đang tồn tại rất nhiều bất cập.
Thực tế, tại Việt Nam các DN hoạt động trong ngành CNPT không chỉ nhỏ lẻ, manh mún, mà tính chuyên môn hóa chưa cao dẫn đến hiệu quả mang lại thấp. Sở dĩ có tình trạng này, theo ông Sơn là do CNPT đang phụ thuộc đến hơn 70% vào nguyên liệu nhập khẩu, khoảng cách về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm giữa DN Việt Nam và nước ngoài khá lớn.
Điều này có thể lý giải vì sao có không ít DN nước ngoài vào Việt Nam đặt nhà máy sản xuất kinh doanh, nhưng tìm “đỏ con mắt” cũng không thấy đối tác cung ứng sản phẩm phụ trợ trong nước đáp ứng đúng yêu cầu.
Đa phần DN ngành CNPT của Việt Nam là quy mô vừa và nhỏ, vốn ít, đầu tư công nghệ ở mức trung bình nên tính cạnh tranh sản phẩm không cao, giá trị gia tăng thấp. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở nội tại bản thân mỗi DN trong ngành, mà còn do các chính sách hỗ trợ CNPT chưa đồng bộ nên hầu hết các DN phải tự xoay xở, và chưa thu hút được DN lớn bỏ vốn vào đây.
Nhất là, các cụm công nghiệp từ trước đến nay được hình thành mà thiếu quy hoạch tổng thể, chủ yếu chỉ giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất chứ không tạo nên chuỗi giá trị thông qua chuỗi liên kết các DN trong cùng lĩnh vực, ngành nghề.
Tương tự, mặc dù Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) là một trong những DN có quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa công nghiệp, sản phẩm phụ trợ cho ngành, nhưng DN này cũng phải thừa nhận những khó khăn khiến cho việc kết nối cung cầu của CNPT Việt Nam vẫn khó đến được với nhau.
Đặc biệt, theo CNS, ngoài những nguyên nhân mà nhiều DN trong ngành đã chỉ ra thì phải kể đến một nguyên nhân khó có thể thay đổi một sớm một chiều. Đó chính là tư duy, thói quen kinh doanh, sự liên kết giữa các DN với nhau còn rất lỏng lẻo. Đồng thời DN này cũng cho rằng, ngành CNPT trong nước chưa có một DN “đầu tàu” để dẫn dắt.
Bàn về vấn đề này, một chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực CNPT cho rằng, thời gian gần đây rất nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài vào Việt Nam đặt nhà máy sản xuất, và mong muốn tìm được đối tác tương ứng. Và nếu không nhanh chóng thay đổi, ngành CNPT sẽ tự đánh mất đi cơ hội của mình.
Vì vậy, để ngành cơ khí của Việt Nam phát triển một cách đồng bộ và toàn diện, trước tiên Nhà nước phải hoạch định được chiến lược dài hạn để có những hỗ trợ pháp lý đối với các DN trong ngành với thời hạn ít nhất là 10 – 20 năm. Đó là khoảng thời gian cần thiết để phát triển các hoạt động công nghiệp ở bất kỳ quốc gia nào.
Vấn đề thứ hai cần được xem xét chính là các cam kết và hỗ trợ chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, và để làm được điều này, Việt Nam cần có lực lượng nhân lực lành nghề và kiểm soát chất lượng tốt. Những điều này không chỉ giúp kết nối được cung-cầu giữa các DN trong nước, mà sẽ đưa các DN của Việt Nam nhanh chóng tham gia vào chuỗi mắt xích, cung ứng sản phẩm toàn cầu.