Công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư còn bất cập
Chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách pháp luật về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định, thông tư hướng dẫn kèm theo. Trên cơ sở đó, các địa phương đã chủ động đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, góp phần quan trọng đảm bảo việc quản lý nhà ở nói chung và quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư nói riêng đi vào nền nếp, xây dựng đời sống văn minh cho cư dân tại các đô thị.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư còn một số hạn chế, bất cập như: Việc quản lý chưa được thực hiện nghiêm túc; tình trạng tranh chấp, khiếu nại liên quan đến tổ chức hội nghị nhà chung cư; thành lập và quyết định công nhận ban quản trị nhà chung cư; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; xác định diện tích sở hữu chung - riêng; quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành; bàn giao nhà ở khi chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo quy định, công tác phòng cháy chữa cháy còn nhiều bất cập, nguy cơ cháy nổ cao...
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, việc xảy ra tranh chấp ở chung cư không chỉ ở riêng Việt Nam, mà ở các nước khác như Trung Quốc, Đài Loan, Úc… cũng xảy ra. Xã hội cũng như thị trường BĐS phát triển rất nhanh, luật pháp phải chạy theo. Ông Nam đưa ra ví dụ gần đây codotel ra đời và phát triển nhưng nội dung đó chưa có trong Luật nên khó tránh khỏi những vướng mắc.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư và khắc phục kịp thời các hạn chế, bất cập nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 9/10/2018, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Tại Hội nghị này, Bộ Xây dựng mong muốn tham vấn ý kiến các đại biểu về các nội dung của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 16/12/2016 của Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước, UBND TP. Hà Nội và Hiệp hội Quản lý tòa nhà đã nêu lên sự cần thiết thành lập tổ chức trung gian quản lý tài khoản quỹ bảo trì cũng như cần có chế tài xử lý mạnh tay hơn nữa đối với những chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật cũng như thực hiện không nghiêm túc về việc gửi hợp đồng mua bán căn hộ tới ngân hàng để ngân hàng thực hiện các thủ tục bảo lãnh tài sản (nhà ở) hình thành trong tương lai cho người dân.
Ghi nhận hiện nay trên toàn quốc có không ít chung cư xảy ra tình trạng tranh chấp, song đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá, thực tế các đô thị có rất nhiều tòa nhà, chung cư, chủ đầu tư chấp hành đầy đủ và hiệu quả các quy định, chính sách quản lý nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, góp phần xây dựng các đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững các thành phố. Vì thế, Bộ Xây dựng cần có quy định khen thưởng kịp thời đối với những chung cư, chủ đầu tư tiêu biểu, làm cơ sở nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, kịp thời phát hiện các sai phạm và xử lý nghiêm theo thẩm quyền; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng đẩy mạnh phổ biến tuyên truyền chính sách pháp luật về xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.