CPH: Thành tích thật mà không thật
Ảnh minh họa |
Xét toàn bộ quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN, cho đến nay, cả nước đã “sắp xếp” được 5.950 DN. Công cuộc “sắp xếp” đã làm giảm mạnh số lượng DN 100% vốn nhà nước, từ 5.655 DN năm 2001 xuống còn 718 DN tại thời điểm tháng 10/2016.
Tuy nhiên, tiến trình này đang có dấu hiệu chậm lại. 8 tháng đầu năm 2017 đã có 33 DN được phê duyệt phương án CPH. Kế hoạch thoái vốn nhà nước là 100.000 tỷ đồng đến nay mới thực hiện được 30%. Số DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và cổ phần chi phối vẫn còn ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ cổ phần chi phối.
“Với con số này, dường như công cuộc CPH DNNN của Việt Nam đã đạt được những kết quả mong đợi: 96,5% số DNNN đã được CPH theo đúng tiến độ nhưng chỉ 8% số vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân. Như vậy nhiệm vụ CPH được coi là hoàn thành, thành tích rất cao nhưng mục đích thật sự lại không đạt được. Thành tích đó không phản ánh đầy đủ và chân thực bức tranh CPH nhìn từ góc độ Tái cơ cấu nền kinh tế với mục tiêu chính là “chuyển nguồn lực quốc gia từ khu vực sử dụng kém hiệu quả (khu vực DNNN) sang khu vực sử dụng hiệu quả (khu vực tư nhân), TS.Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam phát biểu.
Chính phủ đã phê phán kịch liệt tình trạng CPH hình thức này và yêu cầu thay đổi cách CPH, cũng tức là thay đổi cách Tái cơ cấu DNNN nhưng tại sao quá trình CPH DNNN thường xuyên được “thúc đẩy”, “quyết liệt thực hiện”, với những nỗ lực và chi phí thật sự không nhỏ nhưng thành tích lại hạn chế như vậy?
Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó nguyên nhân quan trọng là chính sách bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược còn quá thận trọng, chưa linh hoạt, tỷ lệ vốn bán ít nên chưa hấp dẫn nên chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong nước cũng như nước ngoài mua cổ phần. Nhưng ngược lại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài “xếp chỗ” để mua cổ phần đã nhiều năm nay vẫn chưa mua được lượng cổ phần muốn có.
Là nhà cổ đông chiến lược của Habeco với 17,51% số cổ phần, Carlsberg được quyền ưu tiên mua cổ phiếu khi Nhà nước thoái vốn khỏi Habeco đã chờ đợi để đươc mua từ nhiều năm nay. Nhưng vướng quy định nhà đầu tư nước ngoài không được nắm giữ nhiều hơn 49% số cổ phần tại DN CPH. Vì thế đã qua 9 lần đàm phán mà Habeco và Carlsberg “vẫn chưa thống nhất được”, ông Vương Văn Toàn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho biết.
Đánh giá về CPH, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra rằng “tỷ lệ vốn Nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần DN. Số DN thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi CPH (trên 49%) còn lớn, nên làm giảm mức độ hấp dẫn của nhà đầu tư”.
“Chính phủ cần xem xét sửa đổi các quy định pháp luật để cho phép nhà đầu tư ngoại nắm giữ trên 49% cổ phần trong các DN cổ phần hoá hay thoái vốn Nhà nước”, ông Tony Foster – Giám đốc điều hành Công ty luật Freshfields (Anh) khuyến nghị. Tạo điều kiện cho họ được mua cổ phần chi phối trong các DN cổ phần hoá hay DN mà nhước thoái vốn sẽ thu hút được các nhà đầu tư nghiêm túc và dài hạn, khi đó giá bán sẽ cao hơn, và quá trình thoái vốn sẽ có giá tốt hơn, tăng doanh thu cho Chính phủ.
Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối khiến chất lượng CPH còn hạn chế. “Nghị quyết của Quốc hội quy định phải giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức sàn, nhưng thực tế lại không như vậy. Đơn cử, có DN kế hoạch Nhà nước chỉ giữ 65%, nhưng sau khi IPO vẫn giữ 81%, hay kế hoạch bán cho đầu tư chiến lược 17% nhưng thực tế chỉ bán được 10%...”, theo ông Phạm Đức Trung – Trưởng Ban cải cách và phát triển DN (Viện Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM).
“Nhìn từ mục tiêu tái cơ cấu, kết quả đạt được có thể coi là bằng không - nguồn lực hầu như vẫn nguyên sở hữu nhà nước và các chủ DN tư nhân vẫn phải đứng ngoài cơ cấu quản lý DN CPH”, theo ông Thiên. Vì thế hoạt động sau CPH tại một số DN chưa đi vào thực chấtt, ổ chức bộ máy, hoạt động quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh tại một số DN sau CPH không có nhiều thay đổi (80% vị trí lãnh đạo DNNN - ban điều hành, kế toán trưởng hầu như không thay đổi).
Điều này làm hạn chế tác dụng của cổ phần hoá đối với đổi mới quản trị và thu hút vốn đầu tư phát triển từ bên ngoài và mang đến tình trạng “thành tích thật mà không thật” của quá trình CPH DNNN giai đoạn vừa qua, theo Viện trưởng Trần Đình Thiên.