Cú hích cho kinh tế Việt Nam từ những đặc khu
Giờ đây, những vùng đất nghèo ấy đang đứng trước một cơ hội hiếm thấy: Trở thành những đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam và gánh trên vai trọng trách tạo đột phá lớn cho nền kinh tế.
Cơ hội lột xác
Đứng tại đường băng, sân đỗ quy mô của sân bay quốc tế 7.500 tỷ đang hoàn thiện để đón những chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại Vân Đồn vào đầu năm tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành không giấu tự hào về dự án – minh chứng thực tế cho chiến lược thu hút đầu tư, mời gọi những nhà đầu tư tầm cỡ, xác định gắn bó lâu dài, “ăn đời ở kiếp” với vùng đất biển. Cũng thời điểm này, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đang được triển khai thi công, khi hoàn thành sẽ thông tuyến với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, kết nối tam giác kinh tế trong vùng trọng điểm Bắc Bộ.
“Chúng tôi đang có những bước chuẩn bị bài bản để Vân Đồn đón được cơ hội trở thành một trong ba đặc khu kinh tế đầu tiên của cả nước”, ông Thành nói.
Toàn cảnh khu Vân Đồn - Quảng Ninh
Không chỉ Vân Đồn, cho đến nay ba địa phương được chọn thí điểm thành lập đặc khu cũng đã chuẩn bị các nguồn lực để đón đầu cơ hội. Dự thảo Luật đặc khu hành chính kinh tế đang được các địa phương trình Quốc hội dự kiến sẽ được đưa ra lấy ý kiến trong kỳ họp lần này. Nhiều cơ chế mở, thông thoáng theo đúng tinh thần “dọn tổ đón phượng hoàng” được đề xuất chi tiết.
Chẳng hạn, Kiên Giang kiến nghị cho phép người nước ngoài có thời gian lao động từ 3 tháng trở lên được mua nhà tại đặc khu Phú Quốc. Đồng thời, người nước ngoài cũng được tự do mua, bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trong đặc khu. Tổ chức, cá nhân nước ngoài (không bị giới hạn về điều kiện cư trú) được tự do mua bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trong đặc khu, bao gồm nhà chung cư, nhà ở có sân vườn hoặc nhà liên kế, với thời hạn vĩnh viễn (đối với nhà ở riêng lẻ, biệt thự) hoặc thời hạn 99 năm đối với nhà chung cư.
“Với lợi thế “đi trước một bước”, đảo Ngọc Phú Quốc nay đã dần hiện rõ hình hài một đặc khu du lịch giải trí, nghỉ dưỡng đẳng cấp, tương lai sẽ trở thành một trung tâm thương mại triển lãm, dịch vụ tài chính ngân hàng, kinh tế biển. Còn thương cảng Vân Đồn, với từng bước đi vững chãi, sự chuẩn bị bài bản suốt 5-7 năm qua, nay đang vươn mình tăng tốc mạnh mẽ để sớm tăng tốc trở thành một đặc khu với mũi nhọn phát triển du lịch - văn hoá cao cấp, dịch vụ hiện đại và công nghệ cao.
Cú hích đột phá cho nền kinh tế
Theo tính toán của Bộ KH-ĐT, sau năm 2020, các đặc khu sẽ đóng góp lớn về thu ngân sách, tăng trưởng GDP cũng như thu nhập bình quân đầu người. Như Vân Đồn, ước tính lượng đóng góp lên tới 1,9 tỷ USD về thuế và phí, 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu đất đai. Tương tự, tại Bắc Vân Phong, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí; 1 tỷ USD từ đất. Còn ở Phú Quốc, ước tính Nhà nước thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp tạo nên giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD.
Thu nhập bình quân đầu người tại 3 đặc khu kinh tế sẽ cao gấp đôi mức trung bình cả nước vào năm 2020 (4.500-5.300 USD/người) và đến 2030 sẽ cao 5-7 lần, tương đương 12.000-13.000 USD/người.
Thi công Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn
Những mô hình đặc khu kinh tế thành công trên thế giới đã chứng minh khả năng tạo lực đẩy mạnh cho nền kinh tế quốc gia. Ví dụ như tại Trung Quốc, các đặc khu đã đóng góp tới 22% GDP, 45% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tới 60% kim ngạch xuất khẩu.
Tại hầu hết các quốc gia, những đặc khu đã trở thành các đầu tàu kinh tế, mang lại niềm tin, lan tỏa sức hút đối với các dòng vốn đầu tư cho nền kinh tế, mang lại GDP cho quốc gia và góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Nhóm nghiên cứu thuộc Tạp chí kinh tế thế giới năm 2015 đã chỉ ra, sự phát triển của các đặc khu này đã góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu, tạo ra trên 66 triệu việc làm trực tiếp.
Nhìn rộng ra, việc xây dựng cơ chế cho các đặc khu kinh tế, không phải là câu chuyện của từng địa phương mà đây là câu chuyện của các quốc gia. Muốn tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, xây dựng thêm thiện cảm của các nhà đầu tư nước ngoài, hút dòng vốn lớn tạo động lực chung cho nền kinh tế thì việc hoàn thiện cơ chế cho các đặc khu phát triển đã trở thành bài học được các nước áp dụng thành công.
TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương: Đặc khu phải khác biệt với phần còn lại Thể chế cho ba đặc khu phải khác biệt so với phần còn lại của đất nước để chúng trở nên vượt trội và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Theo đó, giao thương từ các đặc khu với phần còn lại của nền kinh tế phải tương tự như hai nền kinh tế khác nhau. Đã coi đặc khu như một nền kinh tế thị trường thì phải làm sao để đặc khu cạnh tranh hơn cả Singapore, HongKong chứ không phải chỉ ưu đãi điểm này điểm khác hơn đôi chút là được. Nguyên lý là cần tạo được ở đặc khu một dòng luân chuyển (flow) như dòng người, dòng hàng, dòng vốn… chạy về đây rồi từ đây mới chuyển dịch đi nơi khác. Mà muốn tạo được dòng chảy như thế thì các rào cản phải được tháo bỏ, để môi trường thuận lợi nhất, an toàn nhất mà chi phí lại thấp nhất. Tôi ví dụ, muốn xây dựng đặc khu với mô hình một thiên đường mua sắm, nghỉ dưỡng thì trước hết việc đến đó phải rất thoải mái, thuận tiện để một buổi sáng nào đấy, một người từ nơi khác thức dậy, chợt thích đi mua sắm thì có thể ra sân bay, bay thẳng tới đặc khu và có một ngày vui chơi mà không cần thủ tục, giấy tờ ràng buộc phức tạp nào. |