Cú hích phát triển thị trường du lịch
TS. Nguyễn Đức Thọ |
Theo đại diện nhiều DN lữ hành trong nước, việc cấp thị thực điện tử có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, là “cú hích” để phát triển ngành du lịch...
Nhân dịp này, phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Truyền thông và Du lịch An Tín (An Tín Travel).
Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc thí điểm cấp thị thực điện tử đã bắt đầu áp dụng từ đầu tháng 2/2017?
Theo Nghị định số 07/2017/NĐ-CP, người nước ngoài là công dân của 40 nước được thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử nhập cảnh Việt Nam. Việc thí điểm cấp thị thực điện tử trong 2 năm, bắt đầu từ ngày 1/2/2017. Thị thực điện tử có giá trị một lần và thời hạn không quá 30 ngày, cấp cho người nước ngoài vào Việt Nam với các mục đích phù hợp pháp luật Việt Nam.
Việc cấp thị thực điện tử có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, động thái này được kỳ vọng là “cú hích” góp phần phát triển ngành du lịch nước nhà.
Bởi, việc triển khai cấp thị thực điện tử nhằm tiết kiệm thời gian, giảm thủ tục cho du khách, tạo thuận lợi, tăng sức hấp dẫn cho ngành du lịch trong nước. Đây còn là một trong những chính sách thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp với chủ trương, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Thị thực điện tử tạo nhiều thuận lợi cho du khách nước ngoài |
Ông có thể nói rõ hơn việc cấp thị thực điện tử sẽ tác động như thế nào đến ngành du lịch Việt Nam?
Áp dụng thị thực điện tử được coi là dấu ấn mới về chính sách trong đầu năm 2017 của Chính phủ. Chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp nhanh gọn, thuận tiện và thoải mái. Triển khai thực hiện chính sách này cũng giống như chúng ta đã sẵn sàng mở cửa để chào đón du khách quốc tế.
Đây là điều mà các đơn vị lữ hành cũng như chính các du khách trông chờ từ rất lâu. Thực tế, việc áp dụng visa điện tử hay miễn visa mà Chính phủ đã và đang tiến hành rất có lợi cho ngành du lịch nói chung và các DN lữ hành nói riêng.
Áp dụng thị thực điện tử, du khách không cần có mặt trực tiếp, thời gian xem xét giải quyết chỉ mất 3 ngày thay vì 5 ngày như làm thủ tục thông thường; Thời hạn visa 30 ngày và chỉ cần thanh toán phí visa (25 USD) qua mạng.
Ngoài ra, việc áp dụng chính sách này có một sự minh bạch khi mà khách không phải vướng vào thủ tục, chi phí không cần thiết buộc họ phải chi trả... Thủ tục đơn giản, nhanh chóng, môi trường thông thoáng sẽ góp phần thu hút lượng lớn khách du lịch đến Việt Nam trong thời gian tới. Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, có rất nhiều DN du lịch đang hoạt động.
Trong đó, chỉ riêng DN lữ hành quốc tế đã chiếm hơn 50%. Nhiều đơn vị chuyên kinh doanh du lịch inbound, chuyên đón khách quốc tế vào Việt Nam, thì việc cấp thị thực điện tử đối với khách du lịch quốc tế sẽ có những tác động rất quan trọng. Phương pháp làm visa điện tử vốn không phải là mới, các nước trong khu vực đã áp dụng từ rất lâu.
Thực tế, du lịch Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, bên cạnh cấp thị thực điện tử các cơ quan chức năng cần tháo gỡ những gì để ngành du lịch thực sự phát triển?
2017 là năm Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị APEC 2017, với nhiều sự kiện và hoạt động quan trọng, đây được coi là cơ hội vàng để du lịch Việt Nam quảng bá thương hiệu và khẳng định vị thế của mình.
Tuy nhiên, ngành du lịch nước nhà vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Thực tế, đáng buồn trong mắt nhiều du khách nước ngoài, Việt Nam vẫn chưa phải là thiên đường du lịch và là điểm đến hấp dẫn. Du khách đi đâu cũng thấy những sản phẩm na ná nhau, thiếu hẳn điểm đến độc đáo. Nhiều lợi thế cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng thì đang khai thác vô tội vạ, thiếu quy hoạch, tôn tạo, thiếu sự trùng tu, gìn giữ nên ngày càng xuống cấp.
Ngoài ra, hàng loạt hạn chế như cơ sở hạ tầng, phương tiện đi lại, điểm đến, an toàn thực phẩm, vệ sinh, ô nhiễm môi trường, kẹt xe… là điểm trừ khiến chúng ta mất đi lợi thế so với nhiều nước trong khu vực.
Chưa kể, hiện các DN làm du lịch còn hoạt động rất rời rạc, thiếu liên kết. Cơ sở đào tạo du lịch cần chuyên nghiệp và thực tiễn hơn nên vẫn cần có sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Đây là một số điểm yếu khi hội nhập, nếu không sớm thay đổi chúng ta có thể sẽ thua ngay trên sân nhà.
Do vậy, để ngành du lịch nước nhà thực sự phát triển, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch. Tăng cường chức năng tư vấn đầu tư du lịch để hỗ trợ DN, nhà đầu tư thực hiện quy trình, thủ tục (cải cách thủ tục hành chính, đất đai, chính sách về thuế, vốn vay ưu đãi…) tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
Tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển du lịch, theo hướng: ưu tiên tập trung vốn để phát triển cơ sở hạ tầng đối với các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia. Về phía các DN nhìn ra hạn chế không phải để bi quan, đổ lỗi mà để mỗi DN phải biết tìm ra sức mạnh riêng, kết hợp với sức mạnh chung để cùng nhau tạo ra cơ hội, vì mục tiêu chung là phát triển ngành du lịch nước nhà.
Xin cảm ơn ông!