Đã đến lúc tăng cường kỷ luật, kỷ cương cổ phần hóa
Còn 93 doanh nghiệp phải cổ phần hóa | |
Giám sát DNNN chọn lọc thay vì đại trà |
Ảnh minh họa |
Trước đó tại Kỳ họp thứ 7, Khóa XIV vừa diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã chỉ ra quá trình cơ cấu lại và cổ phần hóa DNNN quá chậm và chưa đạt kết quả như yêu cầu. Tiến độ cũng như chất lượng của quá trình cổ phần hóa DNNN khiến nhiều đại biểu sốt ruột.
Hàng loạt những vướng mắc của cổ phần hóa DNNN cũng đã được các đại biểu Quốc hội điểm mặt chỉ tên. Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), việc phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa thoái vốn theo đúng kế hoạch, còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, hoặc giữ cổ phần chi phối đặc biệt là tập đoàn kinh tế tổng công ty nhà nước. Việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại một số DN chưa hiệu quả.
Qua theo dõi, đại biểu Giang cho biết, số lượng các DN cổ phần hóa chậm dần đều qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra và có vẻ ngày càng… hụt hơi. Như năm 2018 cả nước phải cổ phần hóa 64 DN, nhưng trên thực tế chỉ đạt 17% với 12 DN hoàn thành; 35 DN đề nghị chuyển sang hoàn thành vào năm 2019, chiếm 55%; 12 DN đề nghị chuyển sang năm 2020, chiếm 23%; và 6 DN không báo cáo thời gian dự kiến hoàn thành.
Nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này là kỷ cương, kỷ luật trong việc thực thi chính sách pháp luật chưa nghiêm. Nhiều cấp, nhiều ngành chưa tích cực chủ động triển khai nhiệm vụ, còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ cấu lại cổ phần hóa DN, thoái vốn, gây bức xúc trong dư luận. Kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm, việc xác định xử lý trách nhiệm đối với cá nhân để xảy ra sai phạm chưa kịp thời.
Đại biểu Giang nêu ví dụ tại CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, việc cổ phần hóa đối với công ty rất thành công, tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, do sự tranh chấp của các nhóm cổ đông đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN, ảnh hưởng đến lòng tin của NĐT khi tham gia, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh thương mại, góp phần làm chậm quá trình cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế thì thấy có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không vì lợi ích chung mà vì lợi ích cục bộ, khiến quá trình cổ phần hóa ngày càng chậm trễ. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo trong rất nhiều cuộc họp, trên cả các văn bản, nhưng đến thời điểm này, việc cổ phần hóa vẫn diễn ra chậm dần đều trong thời gian dài và vẫn chưa thấy tổ chức, cá nhân nào bị xử lý với bất cứ hình thức nào, chỉ là rút kinh nghiệm sâu sắc.
“Chúng ta thấy hầu như tất cả các quá trình đều chậm, từ chậm cổ phần hóa, chậm thoái vốn, chậm bàn giao, chậm niêm yết, chậm chuyển vốn về Quỹ Hỗ trợ phát triển DN… nhưng không ai làm sao”, ông Sinh nói và đề nghị thời gian tới Chính phủ phải tăng cường kỷ luật kỷ cương hơn nữa, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp gây chậm trễ trong quá trình này thì mới đẩy nhanh được tiến độ và đảm bảo hiệu quả của cổ phần hóa”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và các bộ quản lý ngành, đồng thời chủ động có giải pháp quyết liệt, ngay trong 6 tháng đầu năm để góp phần thực hiện mục tiêu cổ phần hóa trong năm 2019 khi danh sách cổ phần hóa còn lại là những tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô.