Đà Nẵng: Tung tin chia tách huyện để gây ‘sốt’ đất
Mới đây, ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng đã ký công văn số 614/SNV - XDCQ liên quan đến việc tung tin đồn thất thiệt, nhằm gây “sốt” đất ở huyện Hòa Vang.
Ảnh minh họa |
Theo công văn, căn cứ vào Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII), về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, huyện Hòa Vang không đủ tiêu chuẩn để chia tách thành hai đơn vị hành chính. Vì vậy, những thông tin lan truyền trên mạng xã hội gần đây về việc TP. Đà Nẵng có quận mới được thành lập từ huyện Hòa Vang là không chính xác.
Trên thực tế, TP. Đà Nẵng đang thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” nên càng không có lý do để chia tách huyện Hòa Vang.
Trước đó, ông Đặng Thương - Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cũng đã khẳng định: Những thông tin trên mạng xã hội về việc TP. Đà Nẵng đang triển khai chủ trương tách 4 xã phía tây nam Hòa Vang, gồm Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương để thành lập quận mới mang tên Hiếu Đức là bịa đặt. Đồng thời, UBND huyện Hòa Vang sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng của thành phố để điều tra, xử lý nghiêm đối tượng tung tin đồn.
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện thông tin: “TP Đà Nẵng chuẩn bị có quận mới được thành lập mang tên Hiếu Đức cuối năm nay, gồm 4 xã Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Tiến. Chúng tôi có hơn 100 lô đất ở nông thôn thuộc khu vực này sổ đỏ chính chủ, giá từ 1,3 tỷ đến 1,8 tỷ với các trục đường 5m5 đến 10m5; vị trí cực đẹp, diện tích lớn. Cơ hội đầu tư có một không hai để khách hàng có thông tin và đi khảo sát”...
Thông tin thất thiệt này đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản tại địa phương trong những ngày gần đây, khiến giá đất nền tăng đột biến. Bởi, trên thực tế ngay sau thông tin chia tách huyện Hòa Vang lan truyền trên mạng, không chỉ những khu đất có hạ tầng, cả thửa để hoang cũng được “thổi” giá cao gấp 4 đến 5 lần trước đó. Nhiều lô đất ở vùng quê trước đây chỉ khoảng 300 triệu đồng, nay được rao bán lên đến gần 1,5 tỷ đồng. Có những lô đất đã được “thổi” giá đất lên cao gấp 8 đến 10 lần so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Thậm chí, một số đối tượng lợi dụng đêm tối, đã tổ chức cắm cọc trên đất ruộng của người dân rồi giới thiệu đó là dự án đã được phân lô, chia nền. Tuy nhiên, theo đại diện chính quyền địa phương, đây chỉ là chiêu trò của giới “cò” đất. Trên thực tế, giao dịch sang tên chính chủ những ngày qua ở địa phương rất ít, chủ yếu là sang tên bằng giấy viết tay nhằm đánh lừa khách hàng để thổi giá đất.
Văn bản của Sở Nội vụ khẳng định việc thành phố Đà Nẵng có quận mới được thành lập từ huyện Hòa Vang là không chính xác |
Được biết, để ngăn chặn nạn cò đất hoành hành, đẩy giá đất lên cao, gây khó khăn cho người dân... UBND huyện Hòa Vang cũng đã ban hành văn bản gửi UBND 11 xã, yêu cầu thực hiện khẩn cấp một số nhiệm vụ, cụ thể: Tuyên truyền, thông tin cho người dân phải cẩn thận trong việc mua bán đất. Không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất nông nghiệp và đất ở vì sau này sẽ không có đất để sản xuất, không có đất để con, cháu làm nhà ở, ảnh hưởng đến tình hình an sinh xã hội, ổn định cuộc sống lâu dài.
Chuyện tung các tin đồn thất thiệt, để gây “sốt” đất không phải là chuyện mới ở TP. Đà Nẵng cũng như các địa ở phương lân cận. Tuy nhiên, việc ngăn chặn vấn nạn này vẫn còn rất khó khăn, để lại những hệ lụy khó lường… Bởi vậy, dư luận địa phương đang mong muốn các cơ quan chức năng có những biện pháp “mạnh tay” hơn nữa để ngăn chặn một cách triệt để.