Đằng sau “cơn lốc” giảm giá xe ô tô tại Việt Nam
Vay mua ô tô - giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp | |
Thaco áp mức giá chung cho toàn hệ thống từ 1/8 | |
Thêm 2 tân binh tham gia phân khúc xe cỡ nhỏ đô thị |
Ảnh minh họa |
Thực chất chiêu giảm giá ô tô
Trước tiên hãy cùng thâm nhập những doanh nghiệp kinh doanh các dòng xe ô tô nhập khẩu. Với chính sách thuế như hiện hành ở Việt Nam, xe sẽ được chia thành 2 loại dựa trên xuất xứ sản xuất.
Cụ thể, đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN, bắt đầu từ năm 2017 sẽ được giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ mức 40% xuống 30%. Theo cách tính thuế hiện nay, thuế nhập khẩu sẽ là loại thuế đầu tiên đánh vào xe nhập, sau đó sẽ tiếp tục cộng dồn giá xe và trị giá thuế nhập khẩu để tính thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT, hay nói cách khác là đánh thuế theo hình thức thuế chồng thuế.
Như vậy, với mức giảm 10% thuế nhập khẩu thì giá xe nhập về có thể giảm từ 15-20%. Vậy nhưng, nhiều mẫu xe nhập từ ASEAN cho đến nay đã giảm từ 10-15%, rõ ràng các nhà nhập khẩu vẫn hưởng lợi với chính sách thuế nhập khẩu mang lại. Một yếu tố nữa mà người tiêu dùng chưa nhận biết là trong thời gian qua, các nhà nhập khẩu chuyển sang nhập xe của một số thị trường mới như Ấn Độ, Indonesia. Mặc dù vẫn là những thương hiệu quen thuộc như Toyota, Honda, Mitsubishi, Suzuki, Huyndai... nhưng giá thành của một chiếc xe xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia sẽ rẻ hơn xe Thái Lan (thị trường chủ lực và truyền thống của xe nhập khẩu vào Việt Nam từ trước tới nay) từ 2.500-7.000 USD. Như vậy, đây là một trong những yếu tố chủ đạo nữa giúp nhà nhập khẩu phân phối xe ô tô từ thị trường ASEAN có thể giảm giá sâu mà không ảnh hưởng tới lợi nhuận
Còn với xe nhập khẩu ngoài khu vực ASEAN vẫn phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu từ 50-70%, chưa được hưởng ưu đãi thuế quan. Những loại xe này vừa qua cũng đã được các doanh nghiệp giảm giá chút ít để cạnh tranh, kích cầu nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận khủng của họ thu được từ trước tới nay.
Tuy nhiên, những nhà sản xuất và lắp ráp xe trong nước tiếp tục kêu gọi Chính phủ cần phải có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước. Thời gian gần đây các hãng sản xuất xe trong nước thông qua phát biểu với các phương tiện truyền thông là giá xe ô tô đã giảm quá sâu rồi, sang năm 2018 cho dù có áp mức thuế nhập khẩu bằng 0% thì giá ô tô cũng sẽ không thể giảm thêm được. Tuy nhiên, điều này còn phải đợi kiểm chứng từ thị trường trong thời gian tới.
Hãy là những ngưới tiêu dùng thông thái
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Hồng Sơn, giám đốc Honda Mỹ Đình, Hà Nội cho biết. Hiện nay người mua xe ô tô ở Việt Nam ưu tiên hàng đầu là giá thành xe, xe cáng rẻ bán càng chạy. Các yếu tố khác như chất lượng, tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn ô nhiễm... đều là thứ yếu. Nắm bắt được tâm lý ấy, các nhà nhập khẩu đặt riêng những chiếc xe nhập về Việt Nam với tiêu chuẩn chất lượng thấp đi để giảm giá thành sản xuất. Điển hình là sự đổ bộ ào ạt của xe ô tô sản xuất từ Ấn Độ, Indonesia vừa rồi.
Ông Sơn cũng khẳng định, bản thân chính sách kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đề ra có vẻ chặt chẽ, nhưng thực chất để có giấy phép cho một mẫu xe ô tô nhập vào Việt Nam thì cũng chẳng có gì khó khăn.
Chủ xưởng sửa chữa ô tô Hữu Chí thì chia sẻ, từ góc độ chất lượng xe ô tô lắp ráp trong nước. Ông Chí khẳng định ngoài hãng xe lớn, uy tín như Mercedes còn các loại xe sản xuất trong nước khác thì phụ tùng thường có chất lượng thua xa xe nhập khẩu cùng một nhãn hiệu.
Ở Việt Nam cũng có rất nhiều những bộ, ngành kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn an toàn của ô tô, bên cạnh đó là các hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng thực chất việc người mua ô tô ở Việt Nam gặp vấn đề về chất lượng, an toàn trong vận hành là chuyện thường ngày xảy ra. Ngay cả với những hãng ô tô nổi tiếng như Toyota, Honda, Mazda, Huyndai... cũng không ít lần dính vào bê bối về chất lượng và nhất là tiêu chuẩn an toàn, nhưng cuối cùng thì mọi thiệt thòi đều đổ vào người tiêu dùng khi chất lượng ô tô không được kiểm soát và nhất là các biện pháp hỗ trợ bảo vệ người tiêu dùng bị buông lỏng.
Hạ tầng giao thông trong những năm qua đã có rất nhiều tiến bộ, các con đường cao tốc mở ra trên khắp đất nước, đồng nghĩa với đó là tốc độ lưu thông của các phương tiện, nhất là ô tô ngày càng được nâng cao. Việc đi lại bằng ô tô nhanh chóng và thuận lợi nhưng vấn đề về tai nạn giao thông cũng là nỗi ám ảnh với chủ nhân những chiếc ô tô. Người mua ô tô bắt đầu chú ý đến các tiêu chí an toàn cho người lái và những người đi trên xe, đó là số lượng túi khí được trang bị, hệ thống chống bó cứng phanh ABS, hỗ trợ lực phanh khẩn cấp BAS, ổn định thân xe điện tử ESP...
Anh Hồ Xuân Nam, một giám đốc trẻ điển hình cho lớp doanh nhân thành đạt chia sẻ về tiêu chí chọn ô tô hiện nay. Trước đây anh Nam sử dụng một chiếc xe Toyota Corolla với những trang thiết bị an toàn tối thiểu. Nay anh có ý định đổi chiếc xe mới với tiêu chí hàng đầu là các trang thiết bị an toàn. Anh Nam cũng cho biết thêm, anh sẽ ưu tiên chọn những thương hiệu xe đến từ châu Âu hoặc Mỹ với phần khung gầm chắc chắn và trang thiết bị an toàn tốt.
Như vậy, có thể thấy việc thay đổi nhận thức của không ít những khách hàng mua ô tô trong thời điểm hiện nay đã hiện hữu. Điển hình là việc người tiêu dùng quay lưng lại với những chiếc ô tô giá rẻ nhưng không an toàn đến từ Ấn Độ.
Việt Nam vẫn là một thị trường ô tô hấp dẫn. Tuy nhiên có một thời gian dài các hãng ô tô đã thao túng về giá, về chất lượng xe. Hơn bao giờ hết người tiêu dùng cần trang bị cho mình những kiến thức tốt trong việc sắm cho mình một chiếc xe ô tô và họ cần phải hiểu rằng, những khách hàng mới chính là người điều tiết giá cả và chất lượng cho tương xứng với sản phẩm của nhà kinh doanh và sản xuất trên thị trường xe ô tô tại Việt Nam.