Đánh giá ngành tài chính vi mô hướng tới tăng cường tài chính toàn diện
Tăng cường giám sát an toàn để hội nhập thành công | |
Ngân hàng gõ cửa doanh nghiệp vi mô | |
BHTGVN với các tổ chức TCVM |
Mới đây, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức buổi tọa đàm về dự thảo Báo cáo đánh giá ngành tài chính vi mô hướng tới tăng cường tài chính toàn diện trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về Chính sách và tư vấn “Hỗ trợ phát triển tài chính vi mô” (HTKT 8587) do ADB tài trợ.
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Lê Trung Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN nhấn mạnh, tài chính vi mô có vai trò rất quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam. Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ cùng ADB xây dựng hai khoản vay cho chương trình phát triển tài chính vi mô trị giá 90 triệu USD nhằm cải cách tổng thể chương trình hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam.
Mục tiêu chính của Dự án hỗ trợ kỹ thuật về Chính sách và tư vấn “Hỗ trợ phát triển tài chính vi mô” là xây dựng báo cáo đánh giá ngành tài chính vi mô tại Việt Nam. Báo cáo này được kỳ vọng sẽ phác họa một bức tranh tổng thể về ngành tài chính vi mô, đưa ra những khuyến nghị để Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những chính sách, định hướng cải cách và phát triển ngành tài chinh vi mô tại Việt Nam.
Thời gian qua, các chuyên gia tư vấn đã tích cực phối hợp với NHNN, các bộ, ngành, các tổ chức tài chính vi mô dự thảo báo cáo đánh giá ngành tài chính vi mô hướng tới tăng cường tài chính toàn diện. Báo cáo này sẽ đề cập đến những lý luận tài chính vi mô và tài chính toàn diện; Phân tích môi trường pháp lý của ngành tài chính vi mô; Thực trạng về hoạt động, những kết quả và hạn chế hoạt động của ngành tài chính vi mô thông qua các tổ chức: Ngân hàng Chính sách xã hội, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Hợp tác xã, các tổ chức tài chính vi mô. Trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến nghị, định hướng chính sách cho phát triển ngành tài chính vi mô tại Việt Nam.
Báo cáo này là một kết quả đầu vào quan trọng, làm cơ sở cho ADB xây dựng một khoản vay chương trình mới cho Việt Nam trị giá 200 triệu USD, hỗ trợ cho ngành tài chính vi mô ở Việt Nam.
Nhân dịp này, thay mặt NHNN, ông Lê Trung Kiên cũng gửi lời cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của ADB cho lĩnh vực tài chính vi mô của Việt Nam trong thời gian qua. Các chương trình, dự án hợp tác giữa NHNN, Chính phủ Việt Nam và ADB trong lĩnh vực này đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tích cực giúp Việt Nam triển khai phát triển ngành tài chính vi mô theo đúng tiến độ và kế hoạch được đề ra trong Đề án phát triển ngành tài chính vi mô tại Việt Nam giai đoạn 2010-2020.
Ông Eiichi Sasaki – Chuyên gia cấp cao ngành tài chính, Trưởng đoàn ADB chia sẻ, ADB muốn tập trung các hoạt động hỗ trợ, thực hiện hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam để ban hành Thông tư số 04, Thông tư số 32 có liên quan tới các quy định về đảm bảo an toàn và vận hành của các tổ chức tài chính vi mô. ADB cũng đang nổ lực để tăng cường hơn nữa khả năng của các tổ chức này.
Ông Eiichi Sasaki nhấn mạnh: “Chúng tôi nỗ lực để cải cách Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam nhưng điều này rất khó khăn. Chúng tôi không thể làm được nhiều điều nếu không có sự lãnh đạo và hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam cũng như NHNN. Trong tương lai, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, tăng cường tài chính toàn diện cho các cơ quan như: Các tổ chức tài chính vi mô, Quỹ tín dụng nhân dân. Đó là những thông tin ưu tiên của chúng tôi. Bên cạnh đó, ADB cũng đang hướng tới các ngân hàng thương mại có những định hướng phát triển mới, ADB sẽ hỗ trợ cho hoạt động hướng tới tài chính vi mô cho họ thông qua các giao dịch theo phương thức mới. Trong lĩnh vực này, ADB đã, đang phối hợp với NHNN để rà soát lại các mô hình giám sát, điều tiết để phù hợp hơn với hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam mà chúng tôi đang nỗ lực cung cấp để có môi trường tốt hơn, khi đó các cơ quan, tổ chức tư nhân có thể tham gia vào thị trường tài chính rộng hơn ngoài thị trường truyền thống của họ”.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia tư vấn đến từ ADB đã trình bày báo cáo đánh giá ngành tài chính vi mô: Tổng quan và thực trạng ngành; Hiện trạng khuôn khổ pháp lý của ngành, các vấn đề khó khăn vướng mắc và khuyến nghị giải pháp; Năng lực thể chế, khó khăn thách thức, cơ hội và giải pháp đề xuất cho các tổ chức chính tham gia trên thị trường; Hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ chức, khó khăn, cơ hội và giải pháp; Điều phối hoạt động nhà tài trợ; Lộ trình đề xuất: Các vấn đề và giải pháp khuyến nghị…
Sau buổi tọa đàm, Ban Quản lý Dự án cùng với các chuyên gia của ADB sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp, để đưa ra những khuyến nghị định hướng phát triển ngành tài chính vi mô tại Việt Nam hướng tới tăng cường tài chính toàn diện.