Đấu giá cổ phần thu hút nhà đầu tư
Đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phần của Vietcombank tại SAIGONBANK | |
VNPT đấu giá 2,45 triệu cổ phần tại CTCP Phát triển Công trình Viễn thông |
Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, tháng 11/2017, tại đơn vị này đã diễn ra 6 phiên đấu giá cổ phần với tổng khối lượng đạt hơn 27,9 triệu, tăng 143% so với tháng 10. Tổng khối lượng đặt mua của nhà đầu tư (NĐT) cũng tăng mạnh với hơn 66,8 triệu cổ phần, cao hơn 2,4 lần so với khối lượng chào bán. 4 phiên đấu giá thoái vốn cổ phần tại các DN đều được NĐT đặc biệt quan tâm và được bán hết 100% số cổ phần chào bán.
Cũng theo HNX, trong tháng 11, có hơn 25,9 triệu cổ phần (bằng 93% khối lượng chào bán) đã được bán với tổng giá hơn 418 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Trung bình một phiên, giá trị cổ phần đấu giá thành công đạt hơn 69,6 tỷ đồng, tăng 50% so với tháng 10. Trong đó đáng chú ý nhất là phiên thoái vốn của NHTMCP Ngoại Thương Việt Nam tại NHTMCP Sài Gòn Công thương đã có số thặng dư vốn thu về cho DN đạt hơn 133 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm đạt hơn 100 tỷ đồng.
Trên sàn Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) tháng 11 cũng diễn ra hàng chục phiên đấu giá thành công, trong đó đình đám nhất phải kể đến phiên đấu giá của Vinamilk mã (VNM) khi một NĐT bỏ gần 9.000 tỷ đồng mua toàn bộ 48,3 triệu mã cổ phiếu này (tương đương 3,33% vốn điều lệ VNM) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC cho biết, đợt bán vốn này diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng về cả doanh thu và lợi nhuận. Mặt khác, đợt thoái vốn diễn ra vào thời điểm thị trường tương đối thuận lợi. Lúc 14h30 ngày 5/12, dù giá của mã này có giảm nhưng VNM vẫn ở mức 199.700 đồng/cổ phiếu.
Cũng theo thông báo của HoSE, sau đợt thoái vốn này, tháng 12 sẽ tiếp tục xuất hiện thêm nhiều những gương mặt mới được đưa ra đấu giá, trong đó có Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Habeco) và CTCP Công trình Giao thông 60. Còn trên HNX, SCIC cũng vừa ra thông báo chào bán cổ phần cạnh tranh tại Vinaconex (VCG) vào sáng 8/12/2017 tới, hứa hẹn đón nhận sự quan tâm đặc biệt của NĐT.
Đánh giá về sự hưng phấn của NĐT với các phiên đấu giá, ông Trần Minh Hoàng (CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - VCBs) cho rằng, sự thành công của các phiên đấu giá phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng DN được đấu giá. “Tất nhiên có cộng hưởng nếu thị trường tốt nhưng bản chất sau cùng vẫn là chất lượng DN. Nếu DN tốt thì đấu giá thành công với nhiều NĐT tham gia. DN tốt cộng với bối cảnh thị trường tốt sẽ tạo cộng hưởng nhưng gốc vẫn là DN chứ không hẳn do thị trường”, ông Hoàng nói.
Nhận định về thoái vốn cổ phần DNNN trong tháng 12 và khả năng thành công, các chuyên gia cho rằng cơ hội vẫn rất tốt bởi lẽ chất lượng DN mang ra đấu giá tương đối tốt, hơn nữa nhu cầu tìm kênh đầu tư của các NĐT cũng đang khá lớn.
“Bản chất thoái vốn bao giờ cũng mang lại kỳ vọng tốt hơn cho DN vì mang lại lợi nhuận cao bởi DN khi thoái vốn có nghĩa là sẽ có sự tham gia quản trị, điều hành của các NĐT và như vậy sẽ giúp nâng cao năng suất lao động tốt hơn, mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho DN. Điều này phù hợp với xu hướng của các NĐT đang nắm giữ nguồn lực cần tìm kênh đầu tư”, một chuyên gia phân tích.
Sự hấp dẫn của các kênh đấu giá còn thể hiện ở chỗ nếu NĐT mua lô lớn trên sàn là rất khó nhưng với kênh đấu giá sẽ dễ dàng hơn với mức giá dễ mua hơn. “Mua 1 triệu cổ phiếu trên sàn một lúc có thể sẽ bị đẩy giá rất nhiều nhưng với kênh đấu giá, NĐT có thể mua với giá thấp hơn”, một chuyên gia nói.
Cùng nhận định này, ông Trần Minh Hoàng cho biết, so với các kênh đầu tư khác thì kênh đầu tư chứng khoán hiện nay đã tốt hơn rất nhiều. Trong vòng vài năm gần đây, lợi suất trung bình khi đầu tư chứng khoán rất cao thể hiện ở chỗ chỉ số VN-Index tăng mỗi năm trung bình từ 15-20%/năm, riêng năm 2017, chỉ số này dự báo sẽ tăng khoảng 30%/năm. Chỉ riêng số liệu quá khứ của VN-Index đã tạo tâm lý tích cực cho TTCK trở thành kênh đầu tư với lợi suất tốt.
Đương nhiên NĐT có thể rủi ro hơn kênh tiết kiệm, nhưng các chuyên gia cho rằng, với nền kinh tế ổn định thì rủi ro không quá lớn khi lãi suất tiếp tục ổn định hơn. Bất động sản có thể lợi nhuận cao hơn nhưng thanh khoản và các yếu tố thị trường chưa chắc đã thuận lợi để gặt hái lợi nhuận, còn gửi tiết kiệm cũng không phải là kênh đầu tư hấp dẫn.
Đầu tư chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư ưu việt. Mức độ rủi ro đến đâu do mức độ hiểu biết của nhà quản trị và NĐT hiểu rõ DN đến đâu. Tuy nhiên, khi NĐT ngày càng chuyên nghiệp, họ hiểu DN và hiểu thị trường tốt thì rủi ro của họ thậm chí gần như không đáng kể”, ông Trần Minh Hoàng cho hay.