Đấu thầu qua mạng dự án ODA
ADB và WB đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng tại Việt Nam | |
Đấu thầu qua mạng: Vừa đẩy nhanh, vừa thúc ép |
Thông tin từ Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), vào cuối tháng 3/2019, Ngân hàng Thế giới - WB và Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB sẽ tổ chức buổi giới thiệu về module đấu thầu trực tuyến và sử dụng Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia (VNEPS) để triển khai đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu xây lắp và mua sắm hàng hóa theo hình thức đấu thầu cạnh tranh rộng rãi trong nước.
Khoảng gần 80.000 nhà thầu nội địa đã đăng ký trên hệ thống VNEPS |
Mở nút thắt nhà thầu nội
Bà Lương Thị Thanh Ngân - nhân viên đấu thầu của ADB cho rằng, việc WB và ADB chấp thuận sử dụng hệ thống VNEPS để tiến hành đấu thầu trực tuyến sẽ mở ra cơ hội tốt hơn cho nhà thầu là DN trong nước khi tham gia các gói thầu có sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác. Đến thời điểm hiện tại các quy định của pháp luật về đấu thầu của Việt Nam đã tiệm cận với thông lệ đấu thầu quốc tế.
Trong các năm vừa qua, hoạt động đấu thầu qua mạng tại Việt Nam cũng đã có những bước tiến rất tích cực. Đến cuối 2018 đã có khoảng gần 80.000 nhà thầu đăng ký trên hệ thống VNEPS. Tổng giá trị các gói thầu được đấu thầu qua mạng đã đạt khoảng 15.000 tỷ đồng.
Đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cũng cho rằng từ trước đến nay, ngoài các dự án ODA sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA có quy định cho phép nhà thầu trong nước được tham gia đấu thầu, còn lại, hầu hết các nhà tài trợ khác đều có những quy định ngặt nghèo về tư cách hợp lệ đối với nhà thầu tham gia thực hiện dự án ODA.
Chẳng hạn, đối với các dự án sử dụng vốn vay của WB và ADB, hiện nay các nhà tài trợ lại không cho phép các DN trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Quốc phòng tham gia đấu thầu. Chính vì vậy, việc mở rộng hoạt động đấu thầu rộng rãi qua mạng trực tuyến sẽ tháo gỡ được nút thắt rất cơ bản cho các đơn vị DN có nhu cầu dự thầu.
Theo dữ liệu của Cục Quản lý đấu thầu, hiện nay Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia đã định hình được top 100 nhà thầu luôn tham gia đấu thầu điện tử tích cực. Trong số này có hàng loạt tập đoàn tư nhân lớn như: Tập đoàn Tuấn Ân, CTCP Thiết bị điện Sài Gòn, CTCP Địa ốc cáp điện Thịnh Phát, Công ty TNHH Hải Đăng, Cơ điện Phương Đông… Với tiềm lực tài chính khá mạnh và kinh nghiệm tham dự nhiều dự án hạ tầng lớn, hiện các DN nội địa như kể trên hoàn toàn có thể cạnh tranh các gói thầu xây lắp và mua sắm hàng hóa.
Tuy nhiên, từ trước đến nay do nguồn vốn ODA thường kèm theo các điều kiện chỉ định thầu. Vì vậy các DN nội thường chỉ tiếp cận được các gói thầu nhỏ và khá “xương xẩu”. Các gói thầu lớn, giá trị từ 30-40 triệu USD trở lên đa số lọt vào tay các nhà thầu nước ngoài. Nay cả WB và ADB cởi mở đấu thầu trực tuyến rộng rãi, trước mắt với 15 gói thầu xây lắp và mua sắm có tổng giá trị hơn 71 triệu USD sẽ được chào thầu và minh bạch, rất có thể các nhà thầu tư nhân trong nước sẽ cạnh tranh được về giá so với các nhà thầu ngoại.
Không để hạ tầng công nghệ ngáng chân
Theo phân tích của giới đầu tư, sau 2 năm hoạt động chính thức, hệ thống VNEPS đã phần nào đáp ứng được nhu cầu giao dịch của các cơ quan, DN. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu của lộ trình đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 – 2025 (đã được Chính phủ phê duyệt) đến nay hạ tầng công nghệ và việc triển khai đấu thầu trực tuyến ở nhiều địa phương vẫn chưa đáp ứng được tiến độ.
Mặc dù, theo đúng kế hoạch đến hết năm 2018 các bộ, ngành Trung ương và địa phương phải thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay ở các đơn vị lớn như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam việc lựa chọn nhà thầu qua mạng vẫn chưa được thực hiện. Trong năm 2018 đơn vị này thực hiện lựa chọn nhà thầu cho 240 gói thầu nhưng không có gói nào áp dụng đấu thầu qua mạng.
Ở các địa phương như: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hải Phòng, Hà Tĩnh… tỷ lệ các gói thầu được đấu thầu trực tuyến cũng chỉ chiếm dưới 3% trên tổng số các gói thầu cần tìm đối tác. Trong khi đó, ở các bộ, ngành chủ lực trong hoạt động đầu tư hạ tầng như Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ các gói thầu được đấu thầu trực tuyến cũng không đáng kể.
Điều đáng quan tâm là trong hầu hết các báo cáo của bộ, ngành, địa phương đều “né” đề cập đến những số liệu cụ thể về số lượng đấu thầu trực tuyến. Các lý do được đưa ra biện hộ cho hạn chế của đấu thầu trực tuyến là “không đảm bảo số lượng gói thầu”, “nhân sự tham gia đấu thầu qua mạng chưa đủ năng lực, kinh nghiệm”, “cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các chủ đầu tư còn yếu”.
Để đẩy mạnh hoạt động đấu thầu qua mạng, đại diện ADB cho biết, sau khi thử nghiệm thành công một số gói thầu trong dự án của hai ngân hàng trên hệ thống VNEPS, ADB và WB sẽ nhân rộng việc thực hiện đấu thầu qua mạng cho các gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp trong các dự án có sử dụng nguồn vốn của ADB và WB.
Theo ông Alexander Fox, chuyên gia Đấu thầu Cao cấp của ADB để việc triển khai đấu thầu qua mạng ở các dự án hạ tầng, nhất là khu vực nông thôn có thể tiến hành được các địa phương nhất là các chính quyền cấp huyện, xã nên tham dự nhiều hơn vào các dự án có áp dụng các gói đấu thầu qua mạng để học hỏi kinh nghiệm. Có thể mời các chuyên gia trong và ngoài nước đào tạo, hướng dẫn cách sử dụng hệ thống công nghệ. Từ đó mở rộng các dự án áp dụng đấu thầu qua mạng như đấu giá đất công, đấu thầu các gói tư vấn… và tiếp cận các gói thầu có tài trợ vốn nước ngoài.