Đầu tư 1.500 tỷ đồng xây Nhà máy chế biến rau quả
Hình ảnh tại lễ động thổ. Ảnh: VGP |
Nhà máy được xây dựng trên khu đất có diện tích gần 15 ha, tổng số vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng.
Với dây chuyền sản xuất tiên tiến và công nghệ hiện đại của Đức, Thụy Điển, Ý, Nhật, Nhà máy Tanifood sẽ là nơi sản xuất ra các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia... và thị trường nội địa.
Tại đây có dây chuyền sản xuất trái cây, rau quả tươi, xử lý nhiệt có công suất 10.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất đông lạnh 20.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất sấy khô, sấy dẻo, sấy thăng hoa 5.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước trái cây cô đặc 6.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước hoa quả bao gồm đóng lon 144 triệu lon/năm, đóng chai PET 230 triệu chai/năm, đóng chai thủy tinh 72 triệu chai/năm, đóng hộp giấy 144 triệu hộp/năm.
Khi đi vào hoạt động vào cuối năm 2018, dự kiến mỗi ngày nhà máy sẽ tiêu thụ 500 tấn nguyên liệu như xoài, chanh dây, khóm, thanh long… Để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho nhà máy, Lavifood đã liên kết với nhiều hộ nông dân Tây Ninh hình thành chuỗi giá trị rau quả, vùng nguyên liệu. Toàn bộ sản phẩm nông dân làm ra sẽ được nhà máy bao tiêu toàn bộ.
Sau nhà máy Tanifood, Lavifood sẽ đầu tư tiếp 4 nhà máy chế biến rau quả ở Tây Ninh với quy mô tương tự, qua đó góp phần đưa Tây Ninh thành thủ phủ chế biến rau quả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân, nhà máy là một khâu quan trọng của chuỗi giá trị; do đó, khi nhà máy Tanifood được đầu tư bài bản, quy mô lớn thì các khâu còn lại của chuỗi giá trị như chợ đầu mối, viện giống, phân bón, trung tâm hỗ trợ nông dân, kho vận, hạ tầng sẽ được các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện trên toàn chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Sự ra đời của nhà máy Tanifood là một trong những kết quả của chương trình kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp Tây Ninh, khởi đầu bằng cuộc hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh” do Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ phối hợp với UBND tỉnh thực hiện, dưới sự chủ trì của Bộ NN&PTNT vào đầu năm 2017.
Tại lễ động thổ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với trên 400.000 ha đất tự nhiên cùng những điều kiện về thổ nhưỡng phù hợp cho nhiều loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, Tây Ninh đã xác định rất đúng tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Việc khởi công nhà máy chế biến nông sản Tanifood chính là một bước cụ thể hóa chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của Tây Ninh, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, hội nhập thế giới.