Đầu tư qua quỹ mở, thử sức ở kênh mới
Chọn cách đầu tư nhàn hạ
Là một chủ DN, người có thể kiểm soát được tài sản, tiền bạc của mình, nhưng nay anh Lý Hiền Vũ lại đem tiền giao cho người khác đầu tư khiến nhiều người xung quanh anh tỏ ra ngạc nhiên. Tuy nhiên, đối với anh Vũ, chuyện đem tài sản giao cho quỹ đầu tư hộ lại giúp anh gặt hái được rất nhiều thành công.
Anh Vũ chia sẻ, công việc kinh doanh hiện tại của anh cũng tạo ra 1 khoản tiền nhàn rỗi kha khá, thay vì lại tiếp tục mở rộng làm ăn, thì anh nghĩ đã đến lúc phải để đồng tiền làm việc cho mình. Vì thế, anh nghĩ đến việc đầu tư.
Nói đến đầu tư, tuy anh Vũ có kha khá kiến thức về tài chính nhưng cũng không tránh khỏi e ngại về rủi ro vì hình thức đầu tư này còn khá mới, do đó anh phân bổ vào cả 2 quỹ đầu tư mở đang có mặt tại Việt Nam và số tiền đầu tư ban đầu của anh không quá lớn.
“Dự định của tôi là đợi một thời gian xem kết quả như thế nào tôi mới tăng tiền đầu tư của mình. Và kết quả là sau 1 năm đánh giá lại, tôi thấy quỹ đầu tư mà tôi đầu tư có biểu hiện khá tốt, tôi cùng vợ đã tăng thêm tiền đầu tư vào nhiều sản phẩm khác nhau của công ty quản lý quỹ này”, anh Vũ cho biết.
Nhà đầu tư trẻ ngày càng quan tâm hơn đến các quỹ đầu tư |
Cũng giống như anh Vũ, là người phụ nữ ít có tính mạo hiểm, trong gia đình lại giữ vai trò tay hòm chìa khoá, chị Phạm Mai Phương, quyết định lập kế hoạch tích luỹ cho tương lai bằng cách đầu tư vào quỹ cổ phiếu VEOF. Theo đó, mỗi tháng, chị trích 1 khoản thu nhập để mang đi đầu tư.
“Tôi là người có khả năng chịu được rủi ro cao, và tôi biết nếu đã đầu tư thì để được lợi nhuận cao, tôi phải chấp nhận rủi ro cao, do vậy tôi chọn đầu tư vào Quỹ cổ phiếu VEOF. Ngoài ra, do Quỹ trái phiếu VFF ra đời trước Quỹ cổ phiếu VEOF mà biểu hiện của Quỹ trái phiếu VFF khá tốt, nên tôi tin Quỹ VEOF cũng làm được như vậy. Cuối cùng thì tôi nghĩ đầu tư vào Quỹ cổ phiếu VEOF đằng nào cũng ít rủi ro hơn chính mình chơi chứng khoán”, chị Phương nói.
Thực tế, xã hội phát triển, nhu cầu kiếm tiền của người trẻ tăng lên rất cao. Hiện nay, khi hỏi 10 người thì có đến 8 người nói rằng họ không muốn để dành tiền theo kiểu chắt chiu, họ muốn đầu tư, muốn “đánh quả” để kiếm tiền. Tuy nhiên, vì lo sợ rủi ro nên người trẻ hiện nay có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm đầu tư an toàn tương đương với kênh tiết kiệm. Lựa chọn được nhiều người trẻ ưa thích lúc này chính là đầu tư vào quỹ.
Quả thật, đã mang tiền đi đầu tư thì điều kiện đánh giá đầu tiên là lợi nhuận. Do vậy điều khiến giới trẻ hài lòng và thích thú nhất ở các quỹ đầu tư thời điểm hiện tại đó là sự tư vấn phân bổ tài sản hợp lý dẫn đến khả năng sinh lợi rất ấn tượng.
Tính đến nay, giá trị tài sản của một số nhà đầu tư cá nhân tăng 20%, tương đương với tỷ suất lợi nhuận là 16%/năm, rất cao so với việc đem tiền gửi tiết kiệm NH. Tuy trong vài tháng đầu, tỷ suất sinh lợi chỉ ở mức 7-8%/năm, nhưng do đầu tư là nghĩ đến kế hoạch dài hạn nên nhiều người không nản lòng mà tiếp tục tin tưởng đầu tư, đến nay thì họ đã thực sự hài lòng.
Cách kiếm tiền có bài bản
Như chia sẻ của nhiều nhà đầu tư trẻ, khi đầu tư qua quỹ, ngoài chuyện kiếm được lợi nhuận ổn định họ còn có thể học thêm được kiến thức đầu tư mà không mất nhiều thời gian, nhất là đối với người đi làm.
Đơn cử, anh Vũ cho rằng, anh là dân kinh doanh, không có nhiều thời gian đến văn phòng VinaWealth để làm những thủ tục giấy tờ mua bán, nhưng đã có nhân viên VinaWealth chăm sóc tận tình, hỗ trợ mọi lúc mọi nơi khi tôi có thắc mắc về dao động giá NAV.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên gửi báo cáo cho nhà đầu tư, phân tích tình hình tài chính vĩ mô - vi mô, phân tích cổ phiếu, trái phiếu đang đầu tư… giúp cho người đầu tư mới tăng cường được kiến thức để đầu tư tài chính.
Ngoài gửi tiết kiệm thì hiện có nhiều kênh thông qua các quỹ cho khách hàng lựa chọn để đầu tư |
Rõ ràng, đầu tư qua quỹ là kênh đầu tư mới phù hợp với một số người trẻ thích mạo hiểm nhưng chưa có kinh nghiệm đầu tư. Ngược lại, với những người có kinh nghiệm trong ngành tài chính, có kiến thức rõ về đầu tư và chứng khoán, nhưng chưa thử tự mình giao dịch chứng khoán có cơ hội đầu tư hạn chế rủi ro.
Nói như chị Phương, dù là người làm trong ngành tài chính nhưng do chị thấy những nhà đầu tư trong nước của mình vẫn còn bị đầu tư thiên về cảm tính và quá nhiều thông tin trên thị trường, cũng như thông tin chưa được minh bạch nên suốt thời gian qua chị chưa từng thử qua kênh đầu tư chứng khoán.
Có điều, khi các quỹ đầu tư ra đời, chị đã thử sức với kỳ vọng lợi tức thu được cao hơn tiền gửi tiết kiệm của NH. Tính đến thời điểm hiện tại Quỹ cổ phiếu VEOF mà chị đang đầu tư mang lại lợi nhuận trung bình đều đặn trên 8%/năm.
Nhìn chung, thói quen đầu tư tích luỹ của nhiều người Việt vẫn là gửi NH, hoặc mua vàng, mua bất động sản, còn việc bỏ tiền vào các quỹ dường như còn khá xa lạ. Bởi tình hình chung của Việt Nam hiện giờ là những người lớn tuổi thì e ngại rủi ro nên chỉ mang tiền gửi tiết kiệm, còn đối tượng trẻ tuổi thì chưa có ý thức về việc kế hoạch tài chính cá nhân nên chưa nghĩ đến việc đầu tư cho tương lai.
Thiết nghĩ, hành động thiết thực nhất bây giờ là các công ty quản lý quỹ có thể làm là khẳng định mình bằng cách mang về lợi suất tốt nhất cho nhà đầu tư và tăng cường những hoạt động nhằm cộng thêm kiến thức cũng như khơi dậy ý thức về tài chính cho mọi người.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư trẻ cũng nên suy nghĩ rằng, chọn đầu tư cũng là cách bổ sung thêm dịch vụ hỗ trợ tài chính cá nhân hay hoạch định tài chính cho gia đình trong tương lai, thay vì bị bó khung vào một số kênh tiết kiệm truyền thống...