Dạy nghề trước thách thức hội nhập
Đào tạo tại chỗ - giải pháp tối ưu | |
Hướng nghiệp cho người lao động | |
Sửa Luật Dạy nghề phải làm sao tăng được năng suất lao động |
TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề cho biết, hệ thống dạy nghề của Việt Nam rất đồ sộ với khoảng 190 trường cao đẳng nghề, 342 trường trung cấp nghề và 870 trung tâm dạy nghề. Tuy nhiên, chất lượng đầu ra của các cơ sở này còn cách xa so với yêu cầu của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Khuyến cáo của các tổ chức quốc tế gần đây cho thấy, mặc dù quy mô lực lượng lao động của Việt Nam vẫn đang gia tăng, song lượng dân số trẻ của Việt Nam đang giảm. Bên cạnh đó, năng suất lao động chưa được cải thiện đáng kể cũng đang làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phần lớn người sử dụng lao động cho rằng tuyển dụng lao động là công việc rất khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp, hoặc vì khan hiếm nhân công trong một số ngành nghề. Có thể thấy đây là vấn đề phát sinh do sự “lệch pha” giữa công tác đào tạo nghề với nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Ảnh minh họa |
TS. Nguyễn Quang Việt, Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề phân tích, hiện nay khung trình độ dạy nghề của Việt Nam được thiết kế theo hướng các cơ sở giáo dục xây dựng và tuyên bố chuẩn đầu ra như là sự cam kết của nhà trường về kiến thức, kỹ năng, thái độ… mà sinh viên phải đạt được và vị trí công tác sinh viên có thể đảm nhận khi tốt nghiệp ở một ngành đào tạo hoặc ở một chương trình đào tạo.
Việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo vẫn chưa xác định rõ cách thức và các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện. Về bản chất, các chuẩn đầu ra dường như là “kỳ vọng” mà chưa thật là “cam kết” như cách tuyên bố của các trường. Bên cạnh đó, dù cùng đào tạo một ngành hay chuyên ngành, nhưng mỗi trường lại có chuẩn đầu ra khác nhau.
Ông Việt khuyến cáo, thời gian tới, giáo dục nghề nghiệp phải thiết lập quy trình và phương pháp xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với khung trình độ quốc gia và quốc tế, đồng thời với hệ thống bảo đảm chất lượng trình độ từ cấp độ quốc gia đến chương trình đào tạo.
Vấn đề là cho đến nay, Việt Nam chưa có định nghĩa rõ ràng khung các trình độ quốc gia. Mặc dù có tên gọi theo bậc học, song khó có thể đo lường độ rộng, chiều sâu và độ phức hợp của kiến thức, kỹ năng và năng lực, cũng như không có hệ thống phân loại cho mỗi bậc trình độ. Mỗi trình độ không dựa trên chuẩn đầu ra được định nghĩa một cách minh bạch giữa các trình độ với nhau.
Thực tế chỉ ra rằng, hệ thống giáo dục và đào tạo nước ta thiếu sự thống nhất, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động. Đào tạo chưa gắn kết với nhu cầu, năng lực người học sau tốt nghiệp không tương xứng với văn bằng, chứng chỉ được cấp.
Để khắc phục tình trạng này, TS. Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, định hướng công tác đào tạo nghề sắp tới sẽ được tiến hành song song, cả đào tạo trên diện rộng và đào tạo nghề chất lượng cao. Theo đó, mỗi năm đào tạo trung bình 1 triệu người lao động nông thôn, chủ yếu là đào tạo sơ cấp và nghề dưới 3 tháng, thông qua các trường, trung tâm dạy nghề, DN, làng nghề. Đây là chiến lược đào tạo diện rộng phục vụ phát triển nông thôn mới.
Bên cạnh đó, đào tạo nghề chất lượng cao cũng sẽ được tiến hành cùng lúc. Năm 2014, Chính phủ đã xác định phải thay đổi căn bản hệ thống giáo dục đào tạo, đặt vấn đề nâng cao chất lượng lên hàng đầu, song song với đó là tăng số lượng đào tạo của hệ thống. Muốn vậy, cần đạt chất lượng đào tạo tiệm cận trình độ khu vực ASEAN; xây dựng hệ thống các trường có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao. Đây sẽ là nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.