Vốn Nhật “đột kích” thị trường BĐS
Tăng trưởng nóng dễ nếm “trái đắng” | |
Thị trường BĐS 2016: Tránh tình trạng lệch pha cung - cầu |
Thị trường BĐS đang có biểu hiện trầm lắng lại. Theo Báo cáo Nghiên cứu thị trường của Savills Việt Nam, chỉ số giá nhà ở tại Hà Nội trong quý II/2016 giảm 3 điểm so với quý I/2016 và 3,5 điểm so với cùng kỳ 2015, đạt 104,7 điểm. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ số giá nhà ở dù có cải thiện nhưng chỉ tăng 1 điểm theo quý và 3 điểm theo năm, đạt 92,7 điểm.
Các tín hiệu về dư cung như trên, đặc biệt là tại phân khúc nhà ở cao cấp, cùng các điều chỉnh chính sách có thể siết lại dòng vốn vào thị trường, cho thấy BĐS đang rất cần một cú huých đủ mạnh để duy trì sự ổn định trước mắt. Trong bối cảnh ấy, dòng vốn từ Nhật Bản dường như đang trở thành trợ lực quan trọng.
Dự án River City là sự hợp tác cùng phát triển của Creed Group, An Gia Investment và CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt |
Cho đến gần đây, vốn Nhật gây nhiều sự chú ý trên thị trường BĐS Việt Nam. Cái bắt tay mới đây nhất giữa nhà đầu tư Nhật Bản và DN Việt Nam là giữa Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) với Công ty An Gia Investment và CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) để triển khai dự án River City (quận 7, TP. Hồ Chí Minh), với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Trước đó, Tập đoàn Creed Group đã từng chi 200 triệu USD mua 20% Dự án An Gia Investment; đã đầu tư 100 triệu USD để cùng Năm Bảy Bảy phát triển 3 dự án BĐS khác.
Đó còn là sự hợp tác khá thành công giữa Hankyu Realty, Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) và Công ty Nam Long để cùng phát triển dự án Flora Anh Đào và Fuji Residence. Một thương vụ đình đám khác giữa Tập đoàn Mitsubishi và Tập đoàn Bitexco cũng diễn ra tại dự án The Manor Central Park (Hoàng Mai, Hà Nội). Theo đó, Tập đoàn Mitsubishi (nắm 45% cổ phần dự án này) sẽ rót khoảng 30 tỷ yên (khoảng 285 triệu USD) xây 240 căn nhà thấp tầng và 2 tòa căn hộ (1.036 căn)…
Việc hợp tác với các nhà đầu tư ngoại được nhận định không chỉ giúp nâng cao năng lực quản trị công ty, quản trị dự án cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam, mà còn làm tăng sự minh bạch, tăng tính cạnh tranh lành mạnh cho thị trường nhà đất vì nhà đầu tư nước ngoài thường đặt tính minh bạch lên làm đầu, đặc biệt với người Nhật.
Còn đối với thị trường, người mua sẽ có lợi khi dự án có thêm nguồn vốn để đảm bảo triển khai đúng tiến độ. Một giải pháp tài chính cũng được Nhật Bản đưa ra để hỗ trợ vốn vay cho người mua nhà.
Thực tế, nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam không ít. Tuy nhiên, khả năng có thể chi trả để sở hữu một ngôi nhà luôn là vấn đề cần phải cân nhắc, đặc biệt với người mua phân khúc trung cấp vốn hay phải tìm thêm nguồn lực từ tín dụng.
Đồng thời, khách hàng phân khúc này không chỉ quan tâm tới tổng giá trị của căn nhà mà còn cả số tiền phải chi trả từng đợt để không ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình. Với họ, sở hữu một căn nhà nếu không phải vay quá nhiều là điều quan trọng nhất, một chuyên viên môi giới BĐS chia sẻ.
Để phục vụ nhóm khách hàng này, theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), hiện Việt Nam chưa có chương trình hỗ trợ nào cho tầng lớp trung lưu. Việt Nam cũng chưa có hệ thống bảo lãnh tín dụng cho người vay cá nhân.
Vì vậy, một chương trình cho vay dài hạn và đảm bảo tín dụng cho người mua nhà bắt đầu từ năm 2017 được thiết kế, dự kiến sẽ có khoảng 50.000 người được vay tiền mua nhà mỗi năm. Theo đó, một tổ chức bảo lãnh tín dụng sẽ ra đời với nguồn vốn 10 tỷ yên.
Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản và một số công ty tư nhân đang hợp tác để triển khai dự án xây dựng nhà ở theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Việt Nam. Theo dự án, Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA sẽ cấp khoản vay 10 tỷ Yên để các định chế tài chính của Việt Nam cho khách hàng vay mua nhà với thời hạn từ 15-20 năm, lãi suất cố định; tổng giá trị dự án 20 tỷ yên bao gồm cả nguồn vốn bảo hiểm dự án...
Theo chương trình dài hạn đó, chuỗi liên kết BĐS Nhật Bản cũng đang manh nha hình thành ngay tại thị trường Việt Nam, khi nhiều tập đoàn Nhật Bản đang kinh doanh tại Đông Nam Á như Maeda, Kyoei Steel, Tokio Marine Holdings sẽ tham gia dự án. Cụ thể, Maeda sẽ đảm nhận những hợp đồng xây nhà, Kyoei Steel cung cấp vật liệu xây dựng, còn Tokio Marine lo việc bán hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn…
JICA cho rằng, những người vay tiền sẽ trả một khoản phí cho tổ chức bảo lãnh tín dụng. Nếu người vay gặp khó khăn tài chính và không thể thanh toán khoản vay, tổ chức bảo lãnh tín dụng sẽ trả nợ thay. Nếu dự án thành công thì sẽ được tiếp tục nhân rộng ra các thành phố có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Việt Nam, như Hà Nội, Đà Nẵng…
Đó cũng là mục đích sâu xa của JICA - kích cầu bền vững đối với phân khúc nhà ở tại Việt Nam, loại hình hỗ trợ phát triển chính thức của Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên áp dụng ở Đông Nam Á.