“Dọn đường” cho vốn Nhật
Nhật thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 274 tỷ USD | |
Ngân hàng tìm vốn Nhật Bản | |
Tiếp cận vốn Nhật Bản không đơn giản |
Những rào cản đối với dòng vốn FDI từ Nhật Bản sẽ tiếp tục được gỡ bỏ khi Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VI được thực hiện. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (Keidanren) đã tổ chức hội nghị cấp cao Ủy ban Đánh giá và Sáng kiến chung giữa hai nước, khởi động giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
Hai bên đã thống nhất triển khai sáng kiến trong thời gian 17 tháng, bắt đầu từ tháng 8/2016.
Cơ chế phối hợp hiệu quả
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến nay Nhật Bản đã đầu tư hơn 3.000 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 40 tỷ USD vào Việt Nam. Bộ trưởng cũng đánh giá, Nhật Bản luôn là quốc gia dẫn đầu về việc tuân thủ pháp luật, đồng thời mức độ giải ngân các dự án của NĐT nước này cũng tốt nhất trong số các NĐT nước ngoài tại Việt Nam.
TTTM Takashimaya đã có mặt tại Việt Nam vào cuối tháng 7/2016 |
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vốn Nhật trong năm vừa qua đã chững lại so với giai đoạn trước bởi không có nhiều dự án lớn. Đồng thời, Hàn Quốc cũng đã “soán ngôi” Nhật Bản để trở thành NĐT nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Đây là vị trí đã được Nhật Bản duy trì trong nhiều năm liền. Thực tế này cho thấy cần khởi động lại cơ chế hợp tác để tiếp tục giải quyết những vấn đề vướng mắc của NĐT Nhật Bản, sau khi sáng kiến chung giai đoạn V giữa hai nước đã dừng từ tháng 12/2014.
Nhận xét về 5 giai đoạn vừa qua của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, ông Takahashi Kyohei, Chủ tịch Keidanren cho biết, hai nước đã rất nỗ lực và đạt được những thành quả nhất định trong 5 giai đoạn. Ông cũng chia sẻ mong muốn cả hai bên cùng nỗ lực xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Cộng đồng DN Nhật Bản cam kết sẽ phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam hành động để môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện cho NĐT Nhật Bản nói riêng và các DN nước ngoài cùng DN Việt Nam nói chung.
Nhấn mạnh vai trò của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, ông Takahashi nhận xét, đây là cơ chế đặc biệt trong hợp tác về kinh tế. Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là phương thức phù hợp nhất để giải quyết các vấn đề ngày càng phức tạp và chuyên sâu trong hợp tác đầu tư của hai quốc gia.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Tanidaki cho biết, trong giai đoạn này, hai nước đã thống nhất 7 nội dung và phương hướng hoạt động cụ thể. Theo đó, 7 nhóm vấn đề chính bao gồm: lao động; tiền lương; dịch vụ logistic - vận tải; dịch vụ; dịch vụ hỗ trợ DNNVV; ngành phân phối dược phẩm; và những quy định hạn chế đối với NĐT nước ngoài liên quan đến Luật Đầu tư và Luật DN.
Như vậy, số vấn đề cần giải quyết đã giảm gần một nửa so với giai đoạn trước đó. Theo đó, kế hoạch hành động giai đoạn V gồm 13 nhóm vấn đề, liên quan đến một số nội dung có tính trước mắt cũng như dài hạn. Trong số nhóm vấn đề của giai đoạn trước, có 2 vấn đề tiếp tục được “đặt lên bàn” để các bên cũng nhau tháo gỡ là lao động và lĩnh vực vận tải. Điều này cho thấy các vướng mắc trước đây của NĐT Nhật Bản đã được Chính phủ Việt Nam giải quyết khá hiệu quả.
Đơn cử như dự án Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, vừa được TP. Hồ Chí Minh đệ trình. Dự án gồm 2 phần, trong đó cấu phần công trình công cộng thực hiện bằng nguồn vốn ODA và cấu phần cửa hàng/thương mại thực hiện bằng hình thức PPP do liên danh của một nhóm NĐT Nhật Bản được thành phố đề nghị chỉ định thực hiện.
Điều đáng lưu ý là, NĐT cam kết sẽ hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh trong việc phối hợp tích cực với Chính phủ Nhật Bản thu xếp ODA cho cấu phần công trình công cộng. Với cơ chế phối hợp này, vốn ODA đã dẫn dắt cho vốn tư nhân tham gia vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng tại Việt Nam.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam đã và đang được xây dựng theo hướng minh bạch, có tính giải trình cao và phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế. Do đó, tới đây các vấn đề vướng mắc mang tính kỹ thuật hoặc liên quan đến quy trình, thủ tục sẽ giảm tương đối. Thay vào đó là những vấn đề dài hạn, tổng thể hoặc của ngành, của lĩnh vực.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam đã phát triển với tốc độ cao hơn, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng có xu hướng chuyên môn hóa sâu và cao hơn. Vì thế, cùng với sự phát triển cũng là những thách thức mới. Bước sang giai đoạn VI của sáng kiến này, quá trình hợp tác sẽ hướng tới giải quyết những vấn đề sâu hơn và với những nội dung khó hơn.