Cách mạng Công nghiệp 4.0: Việt Nam cần chủ động để vượt lên
Chương trình gồm một chuỗi các hoạt động, sự kiện truyền thông và tương tác trực tiếp. Trong đó, tiêu biểu là Diễn đàn CEO 2017 vào chiều ngày 7/4; chương trình truyền hình trực tiếp Lễ vinh danh Doanh nghiệp Rồng Vàng & Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2016 – 2017 vào 9h30 ngày 8/4 trên sóng VTV1.
Chia sẻ về lý do lựa chọn chủ đề trên cho năm nay, Giáo sư Đào Nguyên Cát - Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nhận định: “Cuộc CMCN 4.0 sẽ mở ra kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng. Điều đặc biệt so với các cuộc CMCN trước đó thì nó có khác biệt rất lớn về tốc độ phát triển, phạm vi và mức độ tác động, đang làm biến đổi hầu hết nền công nghiệp ở mọi quốc gia về cả bề rộng và chiều sâu, trong cả hệ thống sản xuất và quản trị”.
Trong chuẩn bị nội dung cho chủ đề này, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tiến hành một cuộc khảo sát trên báo và Fanpage với gần 400.000 members của Báo điện tử VnEconomy đã cho kết quả như sau: 57% số người quan tâm đến Cuộc CMCN 4.0. Trong 57% này, có 48% đang tìm hiểu, nghiên cứu; 30% chưa làm gì; 17% đang xây dựng kế hoạch, chiến lược và con số rất ít - 7% là đang triển khai.
Trong 43% số người không quan tâm đến Cuộc CMCN 4.0 thì có tới 64% cho biết “Chưa hiểu rõ bản chất của Cuộc CMCN 4.0”; 12% cho rằng sẽ không ảnh hưởng tới lĩnh vực DN của mình đang hoạt động và 17% nhấn nút “chưa có nhu cầu quan tâm”.
Khi hỏi “Đánh giá tác động của cuộc CMCN 4.0" đến nền kinh tế Việt Nam thì có 43% cho rằng “rất lớn”, 25% là “bình thường”, còn lại là không tác động và không biết.
Tại Diễn đàn CEO 2017, các chuyên gia đều cho rằng, CMCN 4.0 sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc và cơ cấu nhiều ngành công nghiệp, giúp năng suất lao động tăng vọt, rút ngắn chu kỳ sản phẩm, giảm giá thành, các ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ tiếp lục len lỏi vào từng gia đình… qua đó làm cho tổng thể xã hội tốt lên.
Cuộc CMCN 4.0 như một cơn bão mà không nước nào trên thế giới có thể đứng ngoài do đó sẽ có những tác động rất lớn đến Việt Nam ở mọi khía cạnh. Việc tham gia hội nhập vào CMCN 4.0 là tất yếu với tất cả các quốc gia nhưng để tận dụng được các cơ hội và vượt lên mạnh mẽ thì Việt Nam cần hội nhập với tâm thế chủ động, sự đồng lòng của Chính phủ, DN và người dân.
Theo đó, Việt Nam cần sớm có sách lược ứng xử với sức mạnh của cả dân tộc trước cuộc CMCN 4.0, tập trung phát triển nguồn nhân lực số, phát triển hệ thống sinh thái khởi nghiệp, phát triển hạ tầng công nghệ hiện đại, các thành phố thông minh, DN chuyển đổi sang nền tảng số để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, từ đó tạo ra sức cạnh tranh mới nhằm sẵn sàng đón nhận cơ hội cũng như giúp hóa giải tốt các thách thức cuộc cách mạng này.
TS. Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, tất cả các cuộc cách mạng đều được dẫn dắt bởi khoa học công nghệ. Theo ông Bình, nói về lợi thế của Việt Nam, lúc này khi cuộc CMCN 4.0 mới bắt đầu, không phải Chính phủ nào cũng nói về cuộc cách mạng này nhiều như ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, từ khi ngành công nghệ thông tin đặt mục tiêu vươn ra thế giới thì tiềm lực ngành cũng vượt trội so với năng lực kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng của tất cả mọi người. Trong đó, có thể có những nhóm rất nhỏ nhưng sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo phải tận dụng cơ hội, có giải pháp hạn chế thách thức của CMCN 4.0. Theo đó các cấp, các ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, bản thân các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức về CMCN 4.0 để toàn xã hội, từng người dân, mọi DN, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của cuộc cách mạng này.
Trong khuôn khổ của Chương trình Liên hoan năm nay, Ban tổ chức đã khảo sát, bình chọn và tôn vinh các Doanh nghiệp Rồng Vàng & Thương hiệu Mạnh Việt Nam năm 2016, những DN đã đạt những thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nỗ lực vì sự phát triển của cộng đồng và đặc biệt tiên phong tiếp cận với xu thế phát triển của cuộc CMCN 4.0.
Trong số những DN được tôn vinh năm nay, đạt danh hiệu Rồng Vàng tiêu biểu như: Samsung vina, KPMG, Deloitt Vietnam, Unilever, Honda, DHL, Chinfon, Lotte và Kirby.
Các Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2016, gồm: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Tập đoàn VinGroup, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), Tổng Công ty Bến Thành, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Công ty CP Đầu tư & Phát triển Tân Á Đại Thành, Công ty CP hàng không Vietjet, Tập đoàn SunGroup, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn FPT, Tổng Công ty Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (SABECO), Công ty CP Quốc tế Sơn Hà, và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.