Đừng làm mất giá trị thật của các ưu đãi
Động lực quan trọng phát triển kinh tế | |
Tăng trưởng theo hướng bền vững |
Thiếu thốn đủ mọi đường – bạn song hành của KTTN?
Thực tiễn và lý thuyết đều chỉ ra rằng, chỉ có kinh tế tư nhân (KTTN) mới hội tụ các điều kiện cần và đủ để các quy luật kinh tế thị trường vận hành một cách thông suốt và hiệu quả nhất.
Cần ban hành những chính sách và cơ chế đối với KTTN dựa trên nguyên tắc cơ bản tôn trọng và bình đẳng |
Chịu sự chi phối của động cơ tìm kiếm lợi nhuận, bằng sự năng động sáng tạo hầu như không có giới hạn, KTTN phản ứng nhanh nhất trước những mất cân đối cung cầu. Họ có ý thức và hành động cạnh tranh quyết liệt nhất và có ham muốn mở rộng thị phần, giành thế độc quyền mạnh mẽ nhất. Họ luôn luôn theo dõi thị trường và sẵn sàng cung ứng cho thị trường những sản phẩm hàng hoá và dịch vụ phù hợp nhất với giá trị sát với giá trị thị trường nhất vì chính thị trường quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của chính họ.
Và sự thiếu thốn đủ mọi thứ dường như là người bạn song hành với tuyệt đại đa số DN ngoài nhà nước trong nhiều năm qua: thiếu vốn, thiếu máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, thiếu lao động giỏi đến thiếu đất đai để mở rộng nhà xưởng, thiếu sự quan tâm và hỗ trợ thiết thực của các cơ quan chức năng. Thiếu cả cơ hội, nhất là cơ hội học hỏi nâng cao trình độ quản lý, quản trị DN, cơ hội tiếp cận với những thị trường, những hợp đồng kinh doanh, những bạn hàng phù hợp...
Nhưng cho dù với điều kiện thiếu thốn kinh niên đó và trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không ít DN ngoài nhà nước nói riêng, khu vực KTTN đã vật lộn để tồn tại, để vươn lên. Đã vậy KTTN không hiếm khi bị thiếu bình đẳng với các DNNN, với các DN có vốn FDI và cả giữa các DN ngoài nhà nước với nhau...
Khu vực KTTN ở Việt Nam đã không ngừng phát triển, ngày càng khẳng định vai trò trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế. Đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước những năm gần đây duy trì ở mức gần 50% GDP, riêng khu vực KTTN đóng góp trên dưới 11% GDP hàng năm. Đến nay đã và đang xuất hiện một số DNTN lớn tầm cỡ quốc gia, thậm chí khu vực và quốc tế, song số này rất ít, còn lại có tới 97% tổng số DN Việt Nam là DNNVV.
Dẫu biết còn nhiều khó khăn, thách thức không hề nhỏ song chúng ta vẫn kiên quyết gửi gắm niềm tin vào sự lớn mạnh của khu vực KTTN. Sự lớn mạnh của KTTN Việt Nam nhất định sẽ song hành với sự lớn mạnh của đất nước.
DN đang co cụm?
Nhưng từ năm 2011 đến nay, số DN đã gục ngã, bỏ cuộc chơi lên đến hơn 20 vạn DN. Phần lớn số DN còn tồn tại thì lại quay về co cụm, thu hẹp sản xuất kinh doanh, chờ cơ hội mới, chờ môi trường thuận lợi hơn để phục hồi và tiếp tục phát triển.
Vậy nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển như thế nào, năng lực cạnh tranh của nước ta sẽ được cải thiện và nâng cao đến đâu, bao giờ chúng ta bắt kịp nhịp độ phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới? Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự phát triển của khu vực KTTN là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Vì thế, chúng ta không còn con đường nào khác là phải khắc phục những thiếu thốn mà khu vực KTTN đang phải chịu đựng để phát huy cao độ vai trò của KTTN.
Trước hết, cần có những chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các mặt, từ chủ trương quan điểm, kinh tế - tài chính, lao động - xã hội đến tâm lý - tuyên truyền… Tiếp tục triển khai thực hiện nhất quán quan điểm chủ trương phát huy cao độ vai trò của khu vực KTTN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, biến những chủ trương thành cơ chế chính sách cụ thể đồng bộ và nhất quán.
Vai trò của KTTN phần lớn do khu vực KTTN quyết định bằng sự nỗ lực nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh thông qua tăng cường tiềm lực tài chính, trình độ quản lý, trang bị máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, đào tạo và sử dụng đội ngũ lao động có trình độ cao, lao động có kỷ luật, có tác phong công nghiệp hiện đại... Nhưng bên cạnh đó cần có sự quan tâm khuyến khích thích đáng của Đảng và Nhà nước để KTTN phát huy tốt nhất vai trò tích cực, đồng thời hạn chế những khiếm khuyết tiêu cực.
Điều kiện tiên quyết là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa KTNN với KTTN. Phải để KTTN hoạt động theo đúng tinh thần Luật DN, được hoạt động trên tất cả những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phải xoá bỏ các rào chắn đang ngăn cản quá trình tự do đi vào thị trường.
Luật DN đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối thuận lợi để mọi người có thể gia nhập thị trường, song còn thiếu những cơ sở pháp lý đồng bộ nhằm điều chỉnh hoạt động trên thị trường. Chúng ta đã quen với việc một sản phẩm chiếm lĩnh thị trường rồi biến mất khỏi thị trường nhưng lại coi việc một DN phá sản là bất bình thường và đáng lo ngại. Chỉ khi chúng ta chấp nhận DN phá sản là hiện tượng bình thường được luật pháp hoá thì KTTN mới có thể phát triển đúng bản chất của nó.
Chúng ta đã bàn nhiều nói nhiều về chính sách hỗ trợ KTTN hỗ trợ DNNVV Việt Nam phát triển và đã có nhiều chính sách ưu đãi được ban hành. Tuy nhiên như nhiều người đã nói, DN đã nói “ưu đãi chưa đến được với DN” bởi chưa thực chất, chưa hiệu quả. Vì vậy, ngoài một số ưu đãi tạm thời, không nên bàn cách áp dụng các chính sách ưu đãi cho KTTN, kể cả chính sách cho DNNVV.
Hãy tránh tình trạng chuyển từ thái cực này sang thái cực khác và làm mất giá trị thật của các ưu đãi. Hãy ban hành những chính sách và cơ chế đối với KTTN dựa trên nguyên tắc cơ bản: tôn trọng và bình đẳng, họ cần điều đó và họ cần được chủ động chứ không cần ưu đãi.